Trả lời:
Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư (khóa X) “về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” nêu rõ: Ngoài các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, tùy điều kiện nhiệm vụ cụ thể, chi ủy cần lựa chọn một số vấn đề mới, phù hợp với nhiệm vụ của chi bộ và chức trách, nhiệm vụ của đảng viên để tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề nhằm tập trung sự lãnh đạo của chi bộ, nâng cao kiến thức, năng lực và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 02/02/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X “về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”nhấn mạnh: “Mỗi quý, các chi bộ phải sinh hoạt chuyên đề ít nhất một lần để bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho đảng viên trong chi bộ”. Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương “Hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”đã nêu rõ quy trình, các bước sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề.
Ưu thế của hình thức sinh hoạt theo chuyên đề là cuốn hút các đảng viên trong chi bộ tập trung thảo luận, hiến kế, đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tạo chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ. Sức lan toả từ các buổi sinh hoạt gắn với từng nội dung chuyên đề sẽ góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đánh giá:“Chất lượng sinh hoạt chi bộ từng bước được nâng lên;... Nhiều chi bộ đã đưa việc tự phê bình và phê bình, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào nội dung sinh hoạt hằng tháng; tăng cường sinh hoạt chuyên đề, từng bước khắc phục tình trạng đơn điệu, hình thức trong sinh hoạt đảng” (1). Tuy nhiên, “Sinh hoạt chi bộ nhiều nơi vẫn còn hình thức, sinh hoạt chuyên đề chưa được coi trọng, tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu” (2). Do đó, để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, xác định rõ các nội dung sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề. Việc chọn chuyên đề để sinh hoạt cần thảo luận, thông qua sinh hoạt chi bộ thường kỳ để đảng viên tham gia; mặt khác, cần bám sát chức năng, nhiệm vụ của các loại hình tổ chức cơ sở đảng để lựa chọn nội dung cho phù hợp. Bí thư chi bộ cần nắm chắc năng lực, sở trường của từng đảng viên để phân công, giao nhiệm vụ chuẩn bị nội dung sinh hoạt chuyên đề. Việc phân công xây dựng chuyên đề được thực hiện ngay từ đầu năm kế hoạch để đảng viên chuẩn bị, đồng thời, phải xây dựng dự thảo chuyên đề bảo đảm đúng trọng tâm, bám sát chủ đề theo từng năm gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chủ đề sinh hoạt chi bộ phải thông báo trước cho đảng viên biết để chuẩn bị nội dung, ý tưởng, biện pháp, giúp cho việc thảo luận có chiều sâu, phong phú về nội dung; tạo sự cuốn hút, tập trung cao ở đảng viên trong chi bộ.
Một buổi sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề. Ảnh: Internet.
Thứ hai, đa dạng hóa hình thức sinh hoạt chuyên đề. Sinh hoạt chuyên đề là nhằm tập trung thảo luận sâu một hoặc một số vấn đề bức xúc đặt ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ. Đây là hình thức sinh hoạt đem lại không khí mới trong sinh hoạt đảng, là một bước đổi mới trong sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình trong Đảng, góp phần nâng cao tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Vì thế, trong sinh hoạt theo chuyên đề nếu chỉ phổ biến, quán triệt bằng lời nói trong suốt một buổi sinh hoạt sẽ dẫn đến sự khô khan, đơn điệu mà cần lựa chọn tổ chức nhiều hình thức phù hợp, áp dụng công nghệ hỗ trợ để nội dung sinh hoạt phong phú như: Hệ thống máy chiếu, các video clip nhằm làm tăng sự sinh động, hấp dẫn cho bản thuyết trình, thu hút sự tập trung cao của đảng viên. Đặc biệt là trong sinh hoạt chuyên đề gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ ba, phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ. Phát huy dân chủ là phương pháp tốt nhất để thực hiện các công việc của chi bộ và nhiệm vụ của đơn vị một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Khi dân chủ trong chi bộ được phát huy tức là mọi vấn đề liên quan đến tổ chức triển khai nhiệm vụ đều được dân chủ bàn bạc, thảo luận công khai và minh bạch cùng hướng tới mục tiêu chung. Cũng từ môi trường dân chủ mà tại các buổi sinh hoạt chi bộ sẽ phát huy thế mạnh, năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm của tất cả đảng viên trong chi bộ cùng tham gia giải quyết công việc một cách thấu đáo, toàn diện, sát thực tế.
Dân chủ là để toàn thể đảng viên cùng biết, cùng bàn và cùng làm, từ đó tạo sự lan tỏa, hứng khởi chung trong toàn chi bộ. Để làm được điều này, trước hết, bí thư chi bộ phải là người có kinh nghiệm, am hiểu, có phương pháp làm việc và điều hành dân chủ, thực sự cầu thị và biết lắng nghe; các đảng viên phải tự giác, mạnh dạn, có trách nhiệm và ý kiến tham gia phải xác đáng, có tính thuyết phục. Bí thư chi bộ cần tự xây dựng cho mình phong cách dân chủ khi chủ trì các kỳ sinh hoạt, biết động viên, gợi mở để đảng viên trao đổi, thảo luận kỹ những vấn đề được nêu. Bí thư là người kết luận các vấn đề của cuộc họp, do vậy người bí thư cần là người biết lắng nghe nguyện vọng, tâm tư của đảng viên trong chi bộ để đưa ra kết luận phù hợp.
Thứ tư, tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ cấp trên có vai trò quan trọng đối với việc định hướng nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ. Cấp ủy cấp trên thường xuyên cử cấp ủy viên dự sinh hoạt với các chi bộ để giải đáp những kiến nghị, đề xuất của đảng viên, đồng thời cũng nắm chắc chất lượng hoạt động của chi bộ để báo cáo cấp ủy cấp trên chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời. Ngoài ra, cấp ủy cấp trên thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng cho bí thư, phó bí thư chi bộ về phương pháp, kỹ năng tổ chức, điều hành sinh hoạt chi bộ, quản lý đảng viên.
---------------------------------------------------
Ngọc Cảnh