Đạo đức công vụ là hệ thống các nguyên tắc, các quy tắc hành vi, xử sự của cán bộ, công chức thực thi công vụ nhằm điều chỉnh thái độ, hành vi, cách xử sự, chức trách, bổn phận và nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ.
Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực là yếu tố quyết định chất lượng của bộ máy nhà nước. Có thể nói, phẩm chất còn phải đi trước cả năng lực, Bác đã từng dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, bởi lẽ là con người và là một công dân, người cán bộ công chức cần có các phẩm chất đạo đức như những công dân bình thường, tuy nhiên, do họ là những người nắm trong tay quyền lực công, thực thi quyền lực công, hoạt động của họ liên quan đến lợi ích và cuộc sống của nhiều người nên yêu cầu về mặt đạo đức đối với cán bộ, công chức càng cao hơn. Mỗi lời nói và hành động của họ đều có sự quan tâm và chú ý của công dân, là nhân vật của công chúng, mỗi lời nói và hành động của họ đều có tác dụng làm gương cho xã hội. Nếu muốn thay đổi hành vi của công dân, trong thực tiễn, bản thân người cán bộ, công chức cần phải xác lập tấm gương cho xã hội, là tấm gương về lý tưởng và phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Hồ Chí Minh đã từng nói: “Một tấm gương sáng có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Trong thời gian qua, bên cạnh những ưu điểm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp vẫn còn những hạn chế, bất cập như: chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ, thực dụng, vụ lợi...có xu hướng ngày càng phát triển; Tệ tham nhũng, quan liêu, hối lộ, bòn rút của công, lãng phí diễn ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; Một bộ phận cán bộ, công chức có lối sống thiếu trung thực, tư tưởng địa vị, lợi dụng chức quyền, cơ hội, “chạy chọt” vì lợi ích cá nhân, như chạy thành tích, bằng cấp, chức quyền, lời nói không đi đôi với việc làm, nói và làm trái với nghị quyết của Đảng; nói một đằng, làm một nẻo; nói nhiều, làm ít; phát ngôn tuỳ tiện, vô nguyên tắc gây rối ren nội bộ, hoài nghi, bất mãn trong nhân dân, mất uy tín trước quần chúng nhân dân; một bộ phận cán bộ công chức suy thoái về đạo đức trong quan hệ gia đình và quan hệ giữa cá nhân và xã hội, hiện tượng tự diễn biến, tự chuyển hóa…nếu không cảnh giác có khi cán bộ, công chức nhất là đảng viên vi phạm lúc nào không hay.
Từ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới cho thấy, để nền hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì cần xây dựng và hoàn thiện thể chế đạo đức công vụ mà quan trọng nhất là phải xây dựng Luật Công vụ, trong đó chứa đựng các quy tắc xử sự chung, các chuẩn mực nhằm ràng buộc công chức vào khuôn khổ khi thực thi công vụ, mặt khác, tạo động lực, cơ chế rõ ràng để họ thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Trong nhiều năm qua, nhiều nước trên thế giới đã chú trọng vào việc xác lập rõ những giá trị cốt lõi của đạo đức công vụ (ĐĐCV) để từ đó “luật hóa” các giá trị này cũng như làm cơ sở cho việc định hướng hành vi của công chức. Chẳng hạn, ở Anh, các giá trị cốt lõi của ĐĐCV được xác định là: liêm khiết, chính trực, công bằng, dân chủ (đối với công chức); vô tư, liêm khiết, khách quan, trách nhiệm, công khai, thành thực (đối với quan chức). Ở Nhật Bản, các giả trị cốt lõi của ĐĐCV được xác định là liêm khiết, trách nhiệm, lợi ích công. Ở Canada, các giá trị cốt lõi của ĐĐCV được xác định là: dân chủ, chuyên nghiệp, lợi ích công, nhân bản. Ở Singapore, có quy định 4 không trong việc phòng chống tham nhũng đối với cán bộ công chức khi thực thi công vụ đó là: không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không cần tham nhũng và không được tham nhũng. Điều này đã giúp Singapore có bộ máy Nhà nước trong sạch và trở thành một trong những quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới.
Cũng phải nói thêm rằng, hiện tại, Việt Nam chưa có một tổ chức nào chuyên trách về vấn đề ĐĐCV, chưa có một cơ quan nào chuyên sâu về công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động công vụ của đội ngũ CBCC mà chỉ dừng lại ở những đoàn thanh tra công vụ, do vậy cần phải thiết lập hệ thống quản lý ĐĐCV trong quá trình thực thi nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước từ Trung ương tới cơ sở. Bên cạnh đó phải xây dựng được Bộ quy tắc ứng xử – hệ thống giá trị cốt lõi trong hoạt động công vụ. Để hình thành Bộ quy tắc ứng xử, cần xác định giá trị cốt lõi của nền công vụ, định ra các nguyên tắc ĐĐCV và quy định cụ thể các chuẩn mực hành vi ứng xử để thực hiện.
Với cán bộ, công chức công tác tại trường Đảng cũng có những quy tắc quy định trong tập Văn hóa trường Đảng hướng dẫn về cách ứng xử, về thực hiện nghiêm chỉnh các quy chế của cơ quan đề ra…ra sức học tập và làm theo Bác trong việc cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư đã là sự thành công lớn của mỗi người nhất là đối với cán bộ, công chức trong việc thực thi công vụ.
Đạo đức công vụ là một trong những vấn đề cơ bản để Nhà nước thực hiện chức năng quản lý xã hội. Ngay từ khi ra đời, nền công vụ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được xây dựng theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một nền công vụ dân chủ, thân dân, trọng dân, quý dân. Muốn xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN thì phải đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, xây dựng nhà nước phải là của nhân dân, cho nhân dân và vì nhân dân thì mới gặt hái được thành quả, thắng lợi trên con đường mà Bác và chúng ta đã lựa chọn. Những lời dặn của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Quần chúng chỉ quí mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” và “bất kỳ địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đầy tớ nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân”. Cán bộ, công chức chúng ta được hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực tế là tiền thuế của nhân dân, ý thức được điều đó thì chúng ta phải ra sức phục vụ nhân dân theo các tiêu chí trong hệ thống đạo đức công vụ đề ra.
Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, vật chất đã khiến một số không ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đã thoái hóa, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa, họ nói một đằng làm một nẻo, vụ lợi cá nhân, tham ô tham nhũng, lợi ích nhóm, phe cánh, đi ngược với lời dạy của Bác, ngược với lợi ích của Nhân dân, dân tộc. Chỉ đến khi vụ việc vỡ lỡ, báo chí phanh phui rồi thì mới lộ rõ nguyên hình là kẻ cơ hội, là kẻ phản bội Đảng, phản bội lòng tin của Nhân dân. Hiện nay, các thế lực thù địch đang lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm của một số cán bộ, công chức trong thực thi công vụ để xuyên tạc bản chất của nhà nước XHCN ở Việt Nam. Vì vậy, để tránh “con sâu làm rầu nồi canh”, mỗi cán bộ, công chức đều ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, trở thành một tấm gương mẫu mực trong việc thực hiện đạo đức công vụ thì sẽ là một minh chứng sinh động và rõ nét để đập tan những luận điểm sai trái của các đối tượng thù địch, chống phá.
Để đánh giá đạo đức công vụ của cán bộ, công chức cần đánh giá trên các mặt sau:
Những tiêu chí của đạo đức công vụ là những chuẩn mực, là căn cứ làm cơ sở để đánh giá, nhận xét về người cán bộ, công chức qua các đợt bình xét thi đua, qua sinh hoạt chi bộ thường kỳ, qua thủ tục quy hoạch, bổ nhiệm…làm tốt công tác tự phê bình và phê bình từ cơ sở về đạo đức, lối sống, về thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao… đối với cán bộ, công chức trong việc thực thi công vụ là đóng vai trò quan trọng để ngày càng có nhiều cán bộ, công chức tự soi, tự sửa và điều chỉnh mình ngày càng hoàn thiện hơn./.
Phương Thảo