Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Xô Viết Nghệ Tĩnh là một sự kiện lịch sử hết sức nổi bật. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, các tầng lớp quần chúng công, nông đã vùng lên đấu tranh quyết liệt và mạnh mẽ, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp, phong kiến phản động ở nhiều nơi trong 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, thành lập nên chính quyền Xô Viết. Sự kiện này đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, giành chính quyền cho nhân dân, là ngọn đuốc soi đường cho toàn Đảng toàn dân ta tiến bước để giành những thắng lợi tiếp theo.
Để giáo dục truyền thống cách mạng thông qua sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh đổi mới dạy học, tổ chức tốt các tiết học lịch sử có nội dung liên quan đến lịch sử địa phương, chú trọng các hoạt động ngoại khóa.
Các nhà trường đã lồng ghép nội dung tài liệu biên soạn về Xô Viết Nghệ Tĩnh, đĩa phim khoa giáo “Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931” vào giờ học lịch sử địa phương và chương trình ngoại khóa (hoạt động ngoài giờ lên lớp ở các chủ điểm “Mừng Đảng, mừng Xuân” và “Uống nước nhớ nguồn”) cho học sinh lớp 9. Trong các bài giảng lịch sử của giáo viên đã thực hiện nhiều phương pháp khác nhau để tái hiện lại lịch sử một cách sinh động, như phương pháp sử dụng đồ dùng trực quan, phương pháp thuyết trình, lập bảng, thảo luận nhóm, lập bản đồ tư duy... kết hợp sử dụng phương tiện hiện đại để dạy học. Đặc biệt, để tạo ấn tượng và cảm xúc mạnh mẽ cho các em, giáo viên đã vận dụng kiến thức liên môn, khai thác các tài liệu văn học, thơ ca, hò vè để bài giảng thêm sinh động. Chẳng hạn khi dạy phần nguyên nhân bùng nổ phong trào, giáo viên đã sử dụng các bài vè để nói lên hoàn cảnh bùng nổ cách mạng lúc bấy giờ. Để giúp các em thấy được khí thế hào hùng của phong trào cách mạng nhiều giáo viên đã sử dụng ca khúc “Cùng nhau đi hồng binh” của Đinh Nhu, “Tiếng hò trên đất Nghệ An” của Tân Huyền. Các bài hát này được các tác giả sáng tác nên từ cảm hứng tự hào phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Một số giáo viên cũng sử dụng cả vở kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh, bức tranh Xô Viết Nghệ Tĩnh vẽ năm 1958 để mô tả phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Đối với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố đã phối hợp với Bảo tàng Xô Viết tổ chức các hoạt động cho học sinh tìm hiểu tại bảo tàng; giao lưu học tập giữa các trường.
Hàng năm tất cả học sinh lớp 9 và một số lớp khác đã được các nhà trường trên địa bàn thành phố tổ chức tham quan tìm hiểu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Với 15.000 tài liệu, hiện vật, trong đó có hơn 3.500 tài liệu, hiện vật gốc, 5.000 phim, ảnh tư liệu có giá trị, gần 6.000 bộ hồ sơ cá nhân, 2.000 trang tư liệu tiếng Pháp được khai thác từ các trung tâm lưu trữ quốc gia và hải ngoại Pháp… các hồi ký của các bậc lão thành cách mạng và một khối lượng di sản văn hóa phi vật thể như thơ ca, hò vè về Xô Viết Nghệ Tĩnh, phim, nhạc, băng ghi âm lời kể nhân chứng, những di vật lịch sử như: Trống Xô Viết, mái đình cổ, lũy tre làng, vũ khí của các chiến sĩ cộng sản như: súng trường, gươm, dáo, mác, mìn chai… Cùng với các công trình như: Nhà tưởng niệm các liệt sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đài tưởng niệm Nhà lao Vinh nằm ngay trong di tích Thành cổ Vinh, trên vùng đất Nhà lao Vinh thời thuộc Pháp… Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh là một khối tài sản có giá trị hết sức to lớn trong giáo dục truyền thống. Khi tham quan tại Bảo tàng, các thuyết minh viên đã góp phần làm sống lại hào khí anh hùng của Xô Viết Nghệ Tĩnh với lời thuyết minh nhẹ nhàng, truyền cảm khiến cho các em học sinh say sưa.
Bên cạnh đó hoạt động ngoại khóa dưới hình thức sân chơi học tập - giao lưu giữa học sinh các trường cũng được Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố và Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh duy trì hàng năm. Trước khi tổ chức hoạt động giao lưu cán bộ Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh xây dựng kế hoạch một cách cụ thể; chuẩn bị những thông tin về: các chiến sĩ cách mạng tiêu biểu trong phong trào, diễn biến phong trào đấu tranh cách mạng ở các địa phương, hệ thống những nơi phong trào diễn ra quyết liệt nhất, những hình ảnh về vũ khí, về tài liệu của Đảng hoạt động trong thời gian đó, nêu rõ bản chất sâu xa của phong trào... Các thông tin tài liệu đó được gửi tới các trường học để học sinh nghiên cứu, tìm hiểu trước khi tổ chức buổi giao lưu, tìm hiểu.
Các chương trình giao lưu đều có hai nội dung: thi tìm hiểu lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh và liên hoan văn nghệ. Về nội dung thi: ngoài hệ thống câu hỏi trắc nghiệm để kiểm chứng trình độ nắm kiến thức, các em còn được trổ tài diễn xuất thông qua phần thi thể hiện tài năng, khả năng hùng biện diễn thuyết trước đông người. Với cách tổ chức này các em rất phấn khởi, tích cực nhiệt tình, tự tin trong hội thi. Đặc biệt ở phần hùng biện, thuyết trình, sự thể hiện của các em đều toát lên niềm tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân địa phương, khâm phục tinh thần đấu tranh cách mạng cuả các chiến sỹ Xô Viết, thấy được sự kiên quyết, sáng suốt của Đảng trong lãnh đạo cách mạng. Đây là hình thức giáo dục tích cực tạo điều kiện cho học sinh tự học, có không gian thoải mái sau những buổi học trên lớp, là sân chơi hấp dẫn, bổ ích cho thế hệ trẻ hôm nay được tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn truyền thống cách mạng quê hương mình, về những người con đó cống hiến trọn đời cho nền độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.
Việc học lý thuyết gắn với thực hành, đã làm cho nhận thức, hiểu biết của các em về lịch sử địa phương, về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh sâu sắc hơn, các em thêm tự hào vì được sinh ra trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, giàu lòng yêu nước, đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm. Hầu hết các em đều nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và hiểu được tại sao phong trào đấu tranh cách mạng lại nổ ra mạnh mẽ ở Nghệ Tĩnh mà không phải nơi khác. Các em thêm tự hào về quê hương mình và biết ơn những người đi trước đã hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và ý thức được trách nhiệm của người học sinh.
Trong bối cảnh hiện nay một số thanh thiếu niên thờ ơ, ít hiểu biết về lịch sử nói chung và truyền thống cách mạng nói riêng, công tác giáo dục truyền thống lịch sử quê hương cho học sinh Trung học sơ sở với các hình thức như trên là một hướng đi đúng đắn hiệu quả. Qua đó bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào quê hương dân tộc, giúp các em có nhận thức đúng đắn, xây dựng tinh thần trách nhiệm với cộng đồng quê hương đất nước.
PGD