Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì buổi làm việc.
Phát biểu gợi mở, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, trong đó có Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vào tháng 10 tới.
Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã đặt hàng các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trên 60 báo cáo và chuyên đề; 63/63 địa phương đã có báo cáo theo đề cương, 4 tổ chức quốc tế tham gia tích cực và có các nghiên cứu phục vụ xây dựng Đề án. Đến nay, theo phân công của Thường trực Tổ biên tập, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành hai báo cáo và hai chuyên đề. Đây là nguyên liệu đầu vào có chất lượng cho quá trình xây dựng Đề án. Trên cơ sở các báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, địa phương, Thường trực Tổ biên tập đã hoàn thành dự thảo Đề án gửi xin ý kiến các thành viên Tổ biên tập và đang tích cực hoàn thiện Đề án trước khi trình xin ý kiến Ban Chỉ đạo.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương... đánh giá cao về dự thảo Đề án. Các đại biểu tập trung thảo luận vào một số nội dung quan trọng, cụ thể như các ngành công nghiệp nền tảng, ngành/sản phẩm công nghiệp ưu tiên trong thời gian tới; các quan điểm, ý kiến khác của Bộ đối với mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; những nội dung mới mà Bộ đã và đang tập trung thực hiện như: Chuyển đổi số quốc gia; phát triển công nghiệp an toàn, an ninh mạng; phát triển các ngành cơ điện tử, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh…
Một số đại biểu cho rằng cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực về chuyển đổi số, công nghệ thông tin. Nhấn mạnh về yếu tố con người, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT chỉ rõ, đào tạo nhân lực ở Việt Nam còn yếu; do đó, cần có chiến lược cụ thể, đưa vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tập đoàn Công nghệ CMC đề cập tới việc doanh nghiệp Việt Nam cần phấn đấu để vừa tự lực phát triển, vừa thu hút doanh nghiệp các nơi đổ về. Như vậy mới từng bước thực hiện được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đề ra.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra một số ví dụ của các nước trên thế giới về khái niệm, lộ trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa; từ đó đề nghị Ban Chỉ đạo nghiên cứu, chắt lọc để đưa vào chủ trương, chính sách của Việt Nam cho phù hợp.
Phát biểu kết luận, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Chỉ đạo cảm ơn các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn và trực diện của các đại biểu; khẳng định các nội dung từ yếu tố nguồn nhân lực, sự tự lực, tự cường của các doanh nghiệp đến quan điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, chuyển dịch sang mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm. Bên cạnh đó, công nghiệp công nghệ số sẽ giữ vai trò là động lực, then chốt của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, cần chú trọng nâng cao nội lực của nền kinh tế, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao thông qua đẩy mạnh học tập, cải tiến, làm chủ về công nghệ thông tin và truyền thông, cơ điện tử, công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh; chú trọng ưu tiên phát triển lực lượng doanh nghiệp số trong nước lớn mạnh.
Trong giai đoạn tới, để công nghiệp công nghệ số và “make in Việt Nam” trở thành động lực phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo việc làm và góp phần hoàn thành các mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đặt ra đến năm 2030 và 2045, cần có thể chế cho phát triển kinh tế số tốt hơn. Theo đó, Việt Nam cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ, thống nhất từ lý luận đến thực tiễn để huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh cho phát triển kinh tế số, trọng tâm là công nghiệp công nghệ số, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm công nghệ số trên thị trường toàn cầu.
Trong đó, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật về công nghiệp công nghệ số; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, nhất là tự động hóa, thông minh hóa, xanh hóa ngành công nghiệp; nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ số và sản xuất công nghiệp; xây dựng, triển khai các chương trình thúc đẩy nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam...
Đặc biệt, để lãnh đạo, chỉ đạo thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã được Đại hội XIII thông qua, cần thiết phải ban hành một Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Bộ Thông tin và Truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thể chế hóa cơ chế, chính sách cũng như tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, các nội dung được trao đổi tại buổi làm việc sẽ góp phần đề xuất những quan điểm mới, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, kiến nghị phù hợp về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Báo Tin tức