1. Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là những điều kiện cần và đủ để nâng cao khả năng thực hiện hiệu quả sự cầm quyền của Đảng, gồm: nâng cao khả năng nắm, giữ chính quyền; nâng cao khả năng phát huy vai trò của vị thế cầm quyền của mình; nâng cao khả năng sử dụng quyền tác động, chi phối hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức khác và nhân dân theo đường lối, quan điểm của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, đường lối, nghị quyết của Đảng.
Để nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, cần có những điều kiện cần và đủ, đó là: phẩm chất, năng lực, phong cách, lề lối làm việc, ý thức tổ chức, kỷ luật, thái độ đối với nhân dân của Đảng, các tổ chức đảng và của cán bộ, đảng viên; hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở được tổ chức khoa học. Vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xã hội được nhân dân thừa nhận, suy tôn và được Hiến pháp nước ta khẳng định.
Từ khi ra đời lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là từ khi trở thành Đảng cầm quyền, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cầm quyền, từ việc xác định nội dung, cụ thể hóa thành các yêu cầu, giải pháp thực hiện cho các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong hệ thống chính trị, trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Nhờ các giải pháp đúng đắn đó, năng lực cầm quyền của Đảng được nâng nên, trở thành một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta, nhất là những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử sau hơn 35 năm đổi mới.
Tuy nhiên, so với yêu cầu công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã họi chủ nghĩa, năng lực cầm quyền của Đảng còn có những bất cập, hạn chế. Việc xác định nội dung năng lực cầm quyền của Đảng còn lúng túng; chưa làm rõ và chỉ ra mối quan hệ giữa năng lực cầm, quyền với năng lực lãnh đạo của Đảng; những vấn đề như biểu hiện của năng lực cầm quyền của Đảng, những thành tố chủ yếu và con đường hình thành, phát triển năng lực cầm quyền của Đảng và chưa thật sự được nhận thức rõ. Trên thực tế, năng lực cầm quyền của Đảng có lúc, có nơi bị giảm sút, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.
2. Để nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng, của cán bộ, đảng viên, bảo đảm cho mọi hoạt động của Đảng, các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên theo đúng Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phải xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tuyệt đối trung thành với nền tảng tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng của Đảng; vững vàng, bình tĩnh, sáng suốt trong xử lý và xử lý tốt các tình huống thực tiễn; đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng với những quan điểm sai trái, thù địch, những tiêu cực, suy thoái xuất hiện trong tổ chức đảng và trong xã hội.
Nâng cao trình độ toàn diện cho cán bộ, đảng viên (nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu) về lý luận chính trị, năng lực tư duy, kinh nghiệm tổ chức thực tiễn. trong điều kiện cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng, của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng. Từng bước sắp xếp tổ chức, bộ máy, biên chế cơ quan Đảng; điều chỉnh, bổ sung và quy định cụ thể, hợp lý hơn chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của mỗi tổ chức; tăng cường tính chủ động sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp. Kiện toàn tổ chức, bộ máy của Nhà nước và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Xây dựng cơ chế, quy chế phối hợp phân công, ràng buộc trách nhiệm cụ thể, giám sát lẫn nhau giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên cơ sở phân định rành mạch chức năng giữa các cơ quan, bảo đảm tính độc lập tương đối về tổ chức của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tạo sự vận hành đồng bộ, thông suốt của hệ thống chính trị. mở rộng và phát huy dân chủ trong xã hội.
Nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, phong cách, lề lối làm việc của Đảng, các tổ chức đảng và của đội ngũ cán bộ, đảng viên, thái độ đúng đắn của cán bộ, đảng viên đối với nhân dân. Thực hiện nghiêm đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị mà cán bộ, đảng viên làm việc; quy định ở nơi cư trú; kỷ luật của các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên là thành viên. Có phong cách làm việc khoa học: sâu sát thực tiễn; có thái độ đúng đắn với nhân dân, gần dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của dân, lời nói đi đôi với việc làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cá nhân về những quyết định của mình, đoàn kết thân ái trong tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và nhân dân; sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ.
Xây dựng hệ thống tổ chức của Đảng, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Trung ương Đảng, cấp ủy các cấp khoa học, tinh gọn, chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, không có sự trùng lắp giữa các tổ chức; thực hiện các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật
Phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng. Đặc biệt chú trọng thực hiện quan điểm dựa vào dân để xây dựng Đảng nói chung, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng nói riêng. Trong xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát và hướng tới đảm bảo lợi ích của các tầng lớp nhân dân. Phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia góp ý, đặc biệt là phản biện chính sách. Đổi mới căn bản phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để phát huy tốt hơn nữa vai trò tập hợp, huy động nhân dân tham gia xây dựng chủ trương, chính sách cũng như tham gia tích cực, có hiệu quả công tác giám sát việc thực thi đường lối, chính sách, pháp luật.
Với vai trò là Đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng ta luôn đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cầm quyền của mình để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, xứng đáng là người lãnh đạo, tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Hiện nay, để nâng cao năng lực cầm quyền, bên cạnh các giải pháp trong nội bộ Đảng, vấn đề quan trọng là phải hoàn thiện hệ thống thể chế để nhân dân tham gia thuận lợi, khả thi, hiệu lực và hiệu quả trong giám sát thực thi quyền lực mà chính nhân dân trao cho Nhà nước. Đó là đòi hỏi của đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng và yêu cầu thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” - nét đặc sắc của thể chế chính trị ở nước ta hiện nay./.
VNTV