Nhóm Sáng kiến Fair Finance Việt Nam (FFV) mới đây đã công bố báo cáo về chính sách môi trường, xã hội và quản trị (ESG) của 10 ngân hàng thương mại (NHTM) ở Việt Nam.
Theo báo cáo, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có các quy định, chính sách và văn bản đề cập đến các chính sách về môi trường (E), xã hội (S) và quản trị (G), nhìn chung, các cam kết chính sách công khai về ESG của 10 ngân hàng này mới mức khởi đầu. Tính trung bình tiêu chí E (Environment - môi trường) của 10 ngân hàng mới đạt 0,3/10, S (Social - Xã hội) đạt 1,3/10 và G (Governance - quản trị) đạt 1,6/10 điểm.
Báo cáo cũng đã chỉ ra, hầu hết các NHTM chưa công bố công khai bất kỳ cam kết nào trong hai chủ đề biến đổi khí hậu và thiên nhiên. Điểm cam kết về của 10 NHTM về sản xuất năng lượng đạt 0,5/10, về biến đổi khí hậu đạt 0,1/10 và về thiên nhiên đạt 0,1/10.
Tương tự, cam kết chính sách về xã hội (S) cũng rất mờ nhạt. 10/10 ngân hàng đều chưa có quy định công khai yêu cầu hay khuyến khích khách hàng doanh nghiệp thực hiện những cam kết về bình đẳng giới. Điểm đáng ghi nhận nhất trong các cam kết của các NHTM là cam kết về tài chính toàn diện với mức điểm trung bình của cả 10 ngân hàng đạt 5/10.
Hầu hết tất cả các ngân hàng đều có những chính sách công khai về chống tham nhũng, bảo vệ khách hàng, thuế, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tuy vậy, cam kết chính sách về minh bạch và trách nhiệm giải trình vẫn ở mức hạn chế (0,5/10). Cao nhất là bảo vệ khách hàng nhưng vẫn còn rất thấp (2,4/10). Điểm cam kết của 10 NHTM về chống tham nhũng đạt 1,8/10 và về thuế đạt 1,6/10.
Nghiên cứu của nhóm cũng chỉ ra rằng các tổ chức tài chính cần cải thiện hệ thống chính sách và thực hành đánh giá rủi ro môi trường - xã hội trước khi ra quyết định đầu tư, cho vay.
Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tiếp tục tăng cường tuyên truyền về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Ảnh: Internet
Thảo luận về mối tương quan giữa các quyết định tài chính của NHTM và các tác động đến người dân, bà Vàng Thị Hoàn - một người dân sống tại xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nơi bị tác động tiêu cực của bảy thuỷ điện bậc thang trên dòng suối Mường Hoa cho hay hoạt động của các nhà máy thuỷ điện đã làm mất sinh kế của người dân, ảnh hưởng đến môi trường và nếu được hỏi ý kiến về việc xây dựng thủy điện tại địa phương, bà kiên quyết phản đối việc xây dựng các công trình thủy điện này,
Theo ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, khi ngân hàng "muốn trở thành ngân hàng số một của ASEAN chẳng hạn, đó là tầm nhìn chiến lược. Nhưng nếu anh vẫn cứ cho vay vào thủy điện nhỏ, nhiệt điện than, thì chiến lược đó sẽ không thực hiện được". Rủi ro danh tiếng còn lớn hơn - khi ngân hàng vẫn đầu tư vào những danh mục "gây vô vàn những mâu thuẫn về xã hội, người dân biểu tình, người dân không thích, người ta sẽ đi theo xu hướng bài xích không gửi tiền vào ngân hàng đầu tư vào nhiệt điện than hay những dự án rủi ro môi trường xã hội. Như vậy, ngân hàng sẽ mất khách hàng."
Từ những quan điểm này, các chuyên gia khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về các yếu tố ESG dựa trên tiêu chuẩn và công ước quốc tế. Đồng thời, có cơ chế giám sát, thanh tra việc thực thi hệ thống quản lý môi trường - xã hội (ESMS). Hội thảo cũng khuyến nghị các ngân hàng thương mại Việt Nam tăng cường minh bạch thông tin, phát triển và thực hành các chính sách về ESG theo chuẩn mực quốc tế.
"Khi các tổ chức tài chính Việt Nam thực hiện tốt trách nhiệm môi trường- xã hội của mình, họ sẽ quản lý được rủi ro trong hoạt động tín dụng, qua đó đảm bảo đầu tư hiệu quả, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội và thúc đẩy thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), nâng cao vị thế trong khu vực ASEAN và trên thị trường quốc tế. Qua đó, góp phần giúp Việt Nam thu hút thêm vốn từ những nhà đầu tư, quỹ đầu tư có trách nhiệm trên toàn cầu, và góp phần Việt Nam tiến xa hơn với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững" - bà Nguyễn Thu Hương - quản lý cấp cao của tổ chức Oxfarm tại Việt Nam cho hay./.
Theo Thời báo Tài chính