Trên thực tế, tính toán của Viện Công nhân và công đoàn cũng cho thấy, công nhân Việt Nam chiếm khoảng 15% dân số, 27% lực lượng lao động nhưng đóng góp 70% ngân sách và 65% GDP. Tuy đóng góp nhiều như vậy nhưng công nhân chưa được hưởng thành quả tương xứng. Họ có đời sống còn bấp bênh, nhiều vấn đề cấp bách về tiền lương, nhà ở, nuôi con... chưa được giải quyết thỏa đáng. Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức vào tháng 4/2022 trên 2.000 công nhân, hơn 50% cho biết tiền lương và thu nhập chỉ đủ sống; khoảng 1/4 số người được hỏi phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; khoảng 20% từng rút bảo hiểm xã hội một lần sau đó tiếp tục tham gia lại.
Có việc làm ổn định, mức lương tương xứng, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng là mong muốn người lao động. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho các cấp Công đoàn – tổ chức đại diện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động cần phát huy hơn nữa vai trò của mình.
93 năm qua kể từ ngày thành lập (28/7/1929 – 28/7/2022), tổ chức Công đoàn ngày càng được củng cố và phát triển, mở rộng về quy mô và nâng cao chất lượng, khẳng định vị thế, uy tín trong hệ thống chính trị. Nhiều chương trình do Công đoàn triển khai đã chăm lo phúc lợi, tháo gỡ những vấn đề bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa của người lao động. Ngoài ra, qua các buổi đối thoại, thương lượng thỏa ước lao động tập thể do Công đoàn tổ chức cũng đã góp phần bảo đảm chế độ, chính sách, an sinh xã hội cho người lao động, tăng thêm nhiều quyền lợi cao hơn so với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, tâm tư, nguyện vọng của người lao động qua những con số khảo sát thực tế ở trên cũng đòi hỏi các tổ chức Công đoàn cần nêu cao vai trò của mình hơn nữa, sâu sát với đời sống công nhân lao động hơn nữa. Trong đó cần chú trọng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng công nhân viên chức, lao động, nhất là trong các lĩnh vực: thu nhập, việc làm, BHXH, sức khỏe… Bên cạnh đó cần phát huy hơn nữa vai trò, chức năng giám sát, phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân và người lao động. Đặc biệt trong bối cảnh mới, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và tác động của cuộc cách mạng 4.0 đặt ra cho tổ chức Công đoàn những thời cơ và thách thức mới. Việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng đòi hỏi tổ chức Công đoàn các cấp phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện. Đây cũng là điểm then chốt để thu hút đông đảo người lao động tự nguyện tham gia tổ chức Công đoàn, coi công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc của họ.
Theo Báo BRVT