Chú trọng nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm, triệt để các hành vi, vụ việc tham nhũng; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị theo quy định.
Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường công tác cải cách hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xét xử vụ việc, vụ án tham nhũng; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan nội chính và các cơ quan tố tụng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế; chủ động thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đánh giá đúng kết quả công tác lãnh đạo và thực hiện phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác phối hợp phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả, chất lượng thông tin, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác phòng, chống tham nhũng.
Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng theo "Bộ chỉ số tiêu chí đánh giá và tài liệu hướng dẫn đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh" của Thanh tra Chính phủ là nhiệm vụ quan trọng, cần được thực hiện nghiêm túc; kết quả công tác phòng, chống tham nhũng được đánh giá cả về định tính và định lượng.
Về nội dung đánh giá công tác phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước được đánh giá qua việc thực hiện công khai, minh bạch theo quy định Luật Phòng, chống tham nhũng; cải cách hành chính; xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; kiểm soát xung đột lợi ích; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức; kiểm soát tài sản thu nhập và thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Công tác phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước được đánh giá qua việc xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm tra nội bộ trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch; kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; thực hiện chế độ trách nhiệm của người đứng đầu trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước./.
HN