Lịch sử là môn học quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ. Môn học này giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa và lịch sử, từ đó hình thành những phẩm chất của công dân.
Một công dân tốt nghiệp lớp 12 cần biết tối thiểu về lịch sử của đất nước, nếu chỉ học lịch sử phổ thông sơ sài ở cấp tiểu học, THCS thì không đủ. Xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh THPT đã có sự trưởng thành về nhận thức, có khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây cũng là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên - xã hội, về các nguyên tắc và quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người.
Tại nhiều nước phát triển, môn lịch sử được chú trọng và được đưa vào kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp. Trong khi đó, một thực tế đã tồn tại nhiều năm nay của giáo dục nước ta là thi gì học nấy, không thi không học. Vậy nên mới có tình trạng nhiều năm liền, lịch sử là môn có kết quả "đội sổ" trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kiến thức lịch sử của nhiều học sinh bị hổng do các em có định hướng thi đại học theo khối nên bỏ qua môn học này.
Phương án đưa lịch sử trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đồng nghĩa với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nâng cao vai trò của môn này. Đây là cơ hội để nâng cao vị thế môn lịch sử, cũng là thách thức lớn với người học và người dạy.
Sẽ có ý kiến cho rằng thi lịch sử sẽ gây áp lực cho học sinh vì cách dạy và học môn này còn nhiều hạn chế. Trước đây, lịch sử là môn thi tốt nghiệp THPT tự chọn, chỉ có học sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội mới thi, nghĩa là các em có lợi thế mới chọn. Song, khi lịch sử trở thành môn bắt buộc - 100% học sinh phải thi, là điều kiện để tốt nghiệp - sẽ khó khăn hơn đối với những em chọn tổ hợp khoa học tự nhiên. Do đó, cần thay đổi phương pháp dạy - học và hình thức kiểm tra, đánh giá lẫn thi cử.
Điều đáng mừng là Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới đã được biên soạn theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Học sinh không còn phải nhớ từng chi tiết sử liệu, ngày tháng năm; mà học theo chủ đề, chủ điểm, dễ hiểu, dễ nhớ. Vì thế, sau 3 năm học THPT, học sinh sẽ định hình được những kiến thức cơ bản để cảm thấy không đáng lo ngại khi thi môn lịch sử.
Tuy nhiên, để học sinh yêu thích môn lịch sử, điều quan trọng là khả năng truyền đạt của giáo viên. Thầy cô phải dạy làm sao để học sinh không "sợ" mà cảm thấy yêu môn lịch sử hơn.
Để học sinh hào hứng với môn lịch sử thì cũng cần có những đề thi hay. Nhiều em ngại học môn này chính là vì cách kiểm tra yêu cầu ghi nhớ cụ thể về sự kiện. Vì thế, trên nền tảng kiến thức căn bản, cần có cách ra đề thi phù hợp mới đáp ứng được xu thế phát triển.
Theo NLĐ