Liên kết không nằm trên giấy, phải hành động thật
Theo bà Chi, việc liên kết nhằm thúc đẩy xây dựng và hình thành nên vùng nguyên liệu bền vững, gắn với công nghiệp chế biến sản phẩm và xây dựng thương hiệu hàng hóa đạt chuẩn phục vụ cho thị trường trong nước và quốc tế.
Một khi sự liên kết bền vững sẽ hỗ trợ các DN chế biến của chúng tôi có thể chủ động về mặt công nghệ trong vấn đề trồng trọt, chăn nuôi và chế biến, hình thành vùng trồng mẫu lớn gắn với xây dựng mã vùng trồng, gắn với xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến, bảo quản công suất lớn, hiện đại có khả năng chế biến sâu”, vị chủ tịch FFA nói.
Chia sẻ tại Diễn đàn Mekong Connect 2022 (bàn về chủ đề nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững) do các tỉnh, thành trong Mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp), Tp.HCM và Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ở Tp.Cần Thơ ngày 24/11, bà Chi đề xuất cần xây dựng các cơ sở dữ liệu chung, thông tin điện tử về sản phẩm chủ lực của các tỉnh ở vùng ĐBSCL, yêu cầu về quy mô, quy trình, tiêu chuẩn chất lượng hướng đến, giá cả, tiêu chuẩn sản phẩm các DN ở Tp. HCM cần. Một khi có cơ sở dữ liệu chung thì sẽ rất thuận lợi trong việc điều phối chuỗi cung ứng.
Chẳng hạn, khi thị trường có những mặt hàng nào đang hút hàng hay giá cả tăng vọt, trên cơ sở dữ liệu này, chỉ cần tra thông tin thì Tp.HCM sẽ nắm được mặt hàng này ở địa phương nào của ĐBSCL đang dư thừa, sẽ giúp cung ứng kịp thời, tránh nguy cơ thiếu hay đứt gãy chuỗi nguyên liệu sản xuất.
Thực tế cho thấy, hiện nay giữa các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL và Tp.HCM đã có nhiều liên kết, tích hợp trên các lĩnh vực và đã có những con đường cao tốc kết nối với các cửa khẩu, hay các cảng ở dọc sông Hậu. Những công trình hợp tác giữa Tp.HCM với các tỉnh ĐBSCL về việc chọn vùng nguyên liệu để xây dựng chuỗi giá trị cũng đã và đang thực hiện, cũng như sự đóng góp của TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL thông qua hợp tác về thương mại điện tử, hỗ trợ về mặt chế biến.
Theo đánh giá, vùng ĐBSCL hiện là vùng sản xuất và xuất khẩu (XK) lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước. Vùng này hiện đóng góp gần 90% sản lượng gạo XK của cả nước, gần 70% kim ngạch XK thuỷ sản, đóng góp gần 70% các loại trái cây của cả nước…
Với tầm quan trọng của vùng này, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, nhấn mạnh rằng liên kết vùng không nằm trên chủ trương, trên giấy mà phải bằng hành động thật. Nhất là cần nâng chất liên kết – tích hợp, áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo từ cuộc chuyển đổi số, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và chú trọng chế biến nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.
Dùng công nghệ dẫn dắt phát triển vùng
Trong việc nâng chất liên kết - tích hợp và dùng công nghệ dẫn dắt phát triển vùng ĐBSCL không thể không nhắc đến một đề xuất mới được tỉnh An Giang đưa ra. Đó là dự án “Trung tâm đầu mối sản xuất và phân phối lúa gạo cấp vùng”.
Mục tiêu dự án là tối đa hóa doanh thu thông qua việc xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp từ cung ứng đến sản xuất, chế biến và XK. Trong đó, ở chuỗi liên kết này, có khoảng 50% đến 70% các quy trình sản xuất được thực hiện tự động thông minh.
Việc thành lập trung tâm nêu trên được kỳ vọng trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại ĐBSCL. Theo đó, sẽ thực hiện đầy đủ chức năng liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL với vai trò dẫn dắt (về công nghệ, đào tạo, chuyển giao giải pháp…), thúc đẩy (kiến tạo các chuỗi liên kết, thu hút các nguồn lực) và hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động kinh tế nông nghiệp toàn vùng (nâng cao giá trị gia tăng, tiêu thụ, XK…).
Hoặc như vấn đề mà nông dân, HTX và DN ở tỉnh Đồng Tháp đang dành nhiều sự quan tâm là chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Địa phương này được cho đã có các mô hình mới, cách làm hay trong lĩnh vực chuyển đổi số đã triển khai, như: Lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thuỷ sản, thuỷ lợi, lâm nghiệp…
Trong lĩnh vực kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử, Đồng Tháp đã có những mô hình hay “Cây xoài nhà tôi” được triển khai tại HTX xoài Mỹ Xương; “Cây cam vườn tôi” tại xã Tân Thuận Đông… Mô hình Lúa – Cá thuộc Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (WB9) thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm gạo tại Cơ sở Huỳnh Kiểm – huyện Hồng Ngự và Công ty TNHH Phương Minh – huyện Thanh Bình…
Bên cạnh việc nâng chất liên kết - tích hợp và đổi mới sáng tạo từ cuộc chuyển đổi số, để hoạt động khoa học công nghệ ở vùng ĐBSCL phát triển mạnh trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang đề nghị các địa phương trong vùng cần hỗ trợ DN, nông dân, HTX nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Nhất là xây dựng các sản phẩm chủ lực của vùng với mục tiêu cung cấp cho các địa phương trong cả nước và phục vụ cho hoạt động XK bên cạnh việc cung cấp cho từng thị trường trực thuộc kinh tế.
Hơn nữa, cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp hệ thống giống chất lượng cao, các dịch vụ kỹ thuật chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng ĐBSCL.
Và điều quan trọng, theo ông Giang, đó là tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, tạo giá trị gia tăng cao và nhiều cơ hội việc làm tại chỗ cho người nông dân vùng ĐBSCL. Đồng thời, cần xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm đồng bộ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu vùng ĐBSCL./.