Năng lực y tế của các nước trên thế giới
Một số nước có thu nhập cao, chẳng hạn như Úc, New Zealand và Nhật Bản, có số lượng bác sĩ, điều dưỡng tương đối cao, điều này giúp họ có khả năng ứng phó với đại dịch Covid-19 cao hơn. Còn các nước có thu nhập thấp như Papua New Guinea, Campuchia và Lào có ít bác sĩ, điều dưỡng hơn, và do đó – về nguyên tắc – ít khả năng ứng phó với đại dịch hơn (hình 1).
Ngoài nhân lực cho ngành y tế thì số giường bệnh trên 1.000 dân tại các nước cũng chênh lệch đáng kể. Chẳng hạn, số giường bệnh dao động trung bình từ 2,7 đến 3 trên 1.000 dân ở các nước châu Á – Thái Bình Dương có thu nhập ở mức trung bình cao và trung bình thấp và thu nhập thấp tương ứng. Con số này thấp hơn mức trung bình của các nước thuộc OECD là 4,6 và mức trung bình của các nước và vùng lãnh thổ thuộc châu Á – Thái Bình Dương có thu nhập cao là 5,4.
Khi xem xét từng nước thì có sự chênh lệch đáng kể. Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên có hơn 10 giường trên 1.000 dân, trong khi đó Bangladesh, Pakistan, Campuchia và Ấn Độ chỉ có ít hơn một giường trên 1.000 dân.
Cùng với công suất giường bệnh, thì năng lực của đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) rất quan trọng trong ứng phó với đại dịch này vì một tỷ lệ đáng kể bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 cần được chăm sóc trong ICU. Dù có nhiều định nghĩa khác nhau về ICU, thống kê của OECD cho thấy năng lực về ICU giữa các nước cũng rất chênh lệch.
Tại các nước và vùng lãnh thổ thuộc châu Á – Thái Bình Dương, ICU dao động từ 13,5 giường ICU trên 100.000 người ở Brunei đến dưới một giường ICU trên 100.000 người ở Myanmar và Bangladesh. Trung bình, các nước và vùng lãnh thổ ở châu Á có thu nhập trung bình cao và trung bình có công suất ICU gấp 2-3 lần so với các nước thu nhập trung bình thấp và thu nhập thấp.
Nhìn chung, sự chênh lệch lớn về năng lực y tế của các nước và vùng lãnh thổ phản ánh sự khác biệt đáng kể về các nguồn lực sẵn có và mức độ đầu tư cho y tế giữa các nước.
Năng lực y tế của Việt Nam
Phần này sẽ trình bày một số tiêu chí về năng lực y tế của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng – nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch Covid-19 thứ 4.
TPHCM có 2 bác sĩ trên 1.000 dân, số này nhiều gấp đôi so với cả nước (0,9), tương đương với Hồng Kông, Trung Quốc (hình 2). TPHCM có 3,4 điều dưỡng trên 1.000 dân, nhiều gấp ba lần so với cả nước và tương tương với Malaysia và Fiji (hình 3). Khi so sánh với mức bình quân chung của các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì TPHCM thuộc nhóm có số bác sĩ cao nhưng điều dưỡng thấp, trong khi đó tính chung cả nước thì Việt Nam thuộc nhóm có số bác sĩ thấp và điều dưỡng thấp (hình 1).
Đối với chỉ tiêu số giường bệnh trên 1.000 dân, TPHCM có 4,3 giường bệnh trên 1.000 dân (bình quân cả nước là 2,9), tương đương với các nước OECD trong nhóm các nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương (hình 4).
Trên thực tế, hệ thống y tế TPHCM còn phục vụ cho cả người nhập cư chiếm hơn 22% dân số chính thức của TPHCM và người dân khu vực Nam bộ. Vì vậy, tỷ lệ giường bệnh và số bác sĩ trên 1.000 dân trên thực tế của TPHCM sẽ thấp hơn nhiều so với thống kê đã nêu. Hạ tầng y tế TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung thường xuyên ở tình trạng quá tải. Mặt khác, so sánh về số giường bệnh chưa bao gồm thông tin về trang thiết bị y khoa cơ bản, mức độ hiện đại và số máy móc điều trị chuyên sâu.
Ngoài ra, những người mắc các bệnh mãn tính đang phải đối mặt với “mối đe dọa kép”, họ dễ bị biến chứng và tử vong do Covid-19, và họ phải chịu những ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe do gián đoạn dịch vụ chăm sóc thiết yếu.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ giảm áp lực cho toàn bộ hệ thống y tế bằng cách cung cấp chăm sóc toàn diện và phòng ngừa trong và sau cuộc khủng hoảng. Do vậy, hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa đảm bảo tính hệ thống ở cấp cơ sở là hạn chế cần sớm khắc phục.
Một trong những điều kiện để đi tới điều kiện “bình thường mới” của các nước trên thế giới đó là tăng cường năng lực chăm sóc của hệ thống y tế, đặc biệt là các ICU và số lượng, chất lượng đội ngũ nhân viên y tế; năng lực phát hiện, quản lý và ngăn ngừa các ca lây nhiễm mới. Do đó, trước mắt, trên phạm vi cả nước, cần ưu tiên đầu tư gia tăng số lượng và chất lượng trang thiết bị y tế cơ bản tương ứng với số giường bệnh đang có.
Từ năm 2022 trở đi – giai đoạn phục hồi kinh tế – trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là tại các thành phố lớn, cần ưu tiên tập trung đầu tư nâng cao năng lực chăm sóc y tế ban đầu và ở tất cả các tuyến điều trị để gia tăng khả năng ứng phó với đại dịch trong tương lai. Cùng với đó là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế thông qua việc bố trí ngân sách hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng, đầu tư công trên phạm vi toàn quốc nói chung và ở các thành phố lớn nói riêng. Việc thúc đẩy phát triển các công cụ số giúp duy trì việc chăm sóc liên tục cho những người mắc bệnh mãn tính và phân loại, hỗ trợ và điều trị từ xa cho bệnh nhân nhiễm virus.
Hệ thống y tế vẫn là một lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, do vậy Việt Nam cần xây dựng lại chiến lược đào tạo nhân lực cho ngành trong bối cảnh “bình thường mới”. Ngoài đội ngũ chăm sóc sức khỏe thể chất thì cũng cần chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ chăm sóc sức khỏe tinh thần./.
Trần Hùng Sơn (Theo The SaiGon Times)