Nhiều nước đã nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam, thể hiện niềm tin ở cấp cao nhất, đặc biệt phải kể đến các chuyến thăm Việt Nam của những nguyên thủ cường quốc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm Việt Nam và hai nước cùng thống nhất nâng cấp quan hệ.
Gần 50 năm đi lên từ cuộc chiến tranh với vô vàn khó khăn, Việt Nam có tiếng nói trên trường quốc tế và các cường quốc thay đổi thái độ với Việt Nam. Đó là Việt Nam đã biết tạo ra thế. Thế ở đây chính là đường lối chính trị, đối nội và đối ngoại đúng đắn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát lại bằng hình tượng “ngoại giao cây tre”: cứng, là kiên quyết, bền bỉ, song cách thức thực hiện là mềm dẻo. Chính sách ngoại giao này dựa trên hai cơ sở quan trọng. Thứ nhất, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu tối thượng, làm nền tảng. Đây cũng chính là kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh. Thứ hai, đường lối đối ngoại và chính sách ngoại giao của Việt Nam dựa trên chính nghĩa. Bởi trên thế giới có nhiều quan điểm, có nhiều khuynh hướng, có nhiều luận thuyết chính trị khác nhau, nhưng tất cả các dân tộc trên thế giới nhìn vào ngoại giao một nước là họ xem nước đó có chính nghĩa hay không để họ ủng hộ.
Minh chứng sống động cho luận điểm đó là câu trả lời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong một hội nghị ở nước ngoài gần đây, khi được các phóng viên quốc tế đặt câu hỏi: Quan điểm và thái độ của Việt Nam như thế nào đối với Nga và cuộc xung đột Nga - Ukraine? Chủ tịch nước đã trả lời với hai ý rất đầy đủ, tinh tế: một là, người Việt Nam luôn luôn tình nghĩa, thủy chung với bạn bè, ai đã giúp đỡ Việt Nam cái gì khi Việt Nam khó khăn thì chúng tôi đều nhớ, nhân dân Liên Xô trước kia giúp đỡ Việt Nam rất nhiều, Việt Nam ghi nhớ điều ấy; hai là, Việt Nam không ủng hộ chiến tranh, phải giải quyết mọi vấn đề bằng biện pháp hòa bình và dựa trên luật pháp, công ước quốc tế.
Sự linh hoạt trong tư duy và đường lối ngoại giao của Việt Nam thời gian qua cũng đã phát huy tính hiệu quả. Lấy dẫn chứng khái niệm độc lập mà chúng ta vẫn đề cao, đến nay nội hàm của từ độc lập cũng thay đổi do thời thế lẫn cách tiếp cận. Ngày trước, độc lập là kiểu “không anh nào được đụng đến tôi” và “tôi chơi riêng”. Còn trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, độc lập không thể như vậy mà cách tiếp cận là phải làm cân bằng các mối quan hệ phụ thuộc. Đó là những mối quan hệ lợi ích song trùng, song phương và cả đa phương đan cài nhau. Đây chính là nghệ thuật về ngoại giao để nâng tầm vị thế của mình. Việt Nam đang làm tốt điều này, cũng vì thế mà Việt Nam tuy cần các nước, nhưng các nước cũng phải cần đến Việt Nam.
Thông thường, khi nói đến lực của một quốc gia, người ta nghĩ ngay đến tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh. Việt Nam thì khác, vị thế của chúng ta được nhân lên bởi “sức mạnh mềm”. Đó là hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chính trị - xã hội, mô hình nhà nước và chính sách đối nội cũng như đối ngoại. Bên cạnh đó là truyền thống lịch sử hào hùng, tính chính nghĩa, khát vọng độc lập, thống nhất của dân tộc ta, gắn với xu thế, ước vọng của các dân tộc về hòa bình, tự do, bình đẳng, bác ái.
Sự kiện Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng với rất nhiều nguyên thủ các nước láng giềng, các nước lớn, bạn bè truyền thống liên tiếp tới thăm Việt Nam thời gian qua để đẩy mạnh hợp tác, mở rộng và làm sâu sắc mối quan hệ một lần nữa minh chứng cho vị thế của chúng ta - một nước Việt Nam giàu khát vọng vươn lên để đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng ở khu vực và trên trường quốc tế.
Nguồn SGGP