Số liệu mới công bố từ Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: GDP 2022 tăng 8,02% so với năm trước là mức tăng cao nhất giai đoạn 2011-2022; xuất siêu ước đạt 11,2 tỷ USD… Những số liệu cho thấy sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 - là nền móng cho mục tiêu phát triển thời gian tới.
8,02% không chỉ là mức tăng trưởng GDP cao nhất thập niên qua tại Việt Nam. Đây dự báo là tốc độ tăng trưởng Top đầu ASEAN và khu vực châu Á Thái Bình Dương. 8,02% GDP giúp đưa mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam lần đầu tiên vượt ngưỡng 4.000 USD.
Ở góc độ thị trường, kinh doanh, việc số lượng doanh nghiệp thành lập mới vượt mức 208.000 doanh nghiệp, là con số cao gấp 10 lần thời kỳ đầu Đổi mới, đặc biệt so với thời điểm Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, cho thấy tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp của người dân tiếp tục được củng cố.
Dòng vốn FDI thực hiện đạt mức cao nhất 5 năm qua; tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng trưởng hơn 11% và tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng đạt hơn 230 tỷ USD càng góp phần khẳng định thực tế này. Cùng với đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục - khoảng 730 tỷ USD - đưa Việt Nam vào Top 20 nền kinh tế có hoạt động ngoại thương lớn trên quy mô toàn cầu.
Bà Alicia Garcia Herrero – kinh tế trưởng phụ trách châu Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng đầu tư Natixis cho biết: “Với cơ sở hạ tầng cải thiện từ đường sá tới năng lượng, nhờ đầu tư mạnh mẽ trong thập kỷ qua cũng như chính sách tự do hóa thương mại, Việt Nam đã biến mình trở thành điểm đến thu hút đối với các nhà đầu tư vốn đang muốn đa dạng hóa chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc”.
Thực tế cho thấy, xét về quy mô kinh tế, thứ hạng của Việt Nam trong ASEAN sẽ thay đổi. Vị thế kinh tế Việt Nam sẽ rất khác. Nói vậy không có nghĩa kinh tế 2022 chỉ toàn điểm sáng.
Như Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thẳng thắn cho rằng, trong số rất nhiều điểm sáng kinh tế năm 2022, điểm tựa tốt nhất là hoạt động nông nghiệp - lĩnh vực kinh tế cột trụ của Việt Nam. Hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đóng góp lớn nhất cho nỗ lực chung này khi chiếm tỷ trọng 97%.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu - ngoại thương và kinh tế số. Kinh tế số đã, đang và sẽ còn đóng góp rất nhiều cho tăng trưởng kinh tế nói chung. Những con số rất ấn tượng mới được công bố vẫn chỉ là định lượng, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các vấn đề định tính – về chất lượng phát triển cần được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, giới quan sát hầu hết nhìn nhận rằng các thách thức cho kinh tế Việt Nam chủ yếu xuất phát từ ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, khi các thị trường đối tác của Việt Nam đa số gặp khó khăn. Đại dịch COVID-19, cuộc chiến ở Ukraine, giá năng lượng leo thang, lạm phát cao, cũng như việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ đang khiến nhiều nền kinh tế lớn lao đao, trong đó có Liên minh châu Âu EU và Mỹ.
Do đó, những “cơn gió ngược chiều” có thể tiếp tục xuất hiện trong bối cảnh kinh tế quốc tế bất định, khôn lường tiềm ẩn những rủi ro, thách thức, có thể tác động nỗ lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Chúng ta cần khả năng thích ứng linh hoạt từ tất cả các chủ thể.
Việt Nam có vị trí thuận lợi để giảm thiểu các thách thức, đóng vai trò là một điểm đến cho các công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Dân số đông đảo, trẻ trung, vị trí đắc địa khi ở gần Trung Quốc và dọc theo tuyến đường vận chuyển quan trọng, tất cả khiến Việt Nam trở thành địa điểm có khả năng cạnh tranh cao, kể cả trong môi trường vĩ mô khó khăn.
Tựu trung lại, nền kinh tế khỏe là nhờ chính sách tiền tệ linh hoạt hiện nay của Ngân hàng nhà nước, và trước đó là còn nhờ Việt Nam đã đẩy nhanh giải quyết nợ công, tăng dữ trự ngoại hối và tìm cơ hội tăng trưởng thông qua những hiệp định kinh tế. Đặc biệt không thể không kể đến việc xử lý tham nhũng, qua đó thu hồi số tiền sai phạm, làm đầy lại ngân khố quốc gia, giúp Chính phủ có nguồn tiền chi cho đầu tư công, tự mình tạo được động lực tăng trưởng trong nước.