Trong quá trình xây dựng và bảo vệ quốc gia, dân tộc thì nhân dân là người làm chủ lịch sử, là chủ thể sáng tạo, sản xuất của cải vật chất đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của con người; là lực luợng trực tiếp hoặc gián tiếp sáng tạo ra các giá trị tinh thần cho con người, quyết định sự phát triển của xã hội. Đồng thời, cũng là động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng, của quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bước sang thời kỳ đổi mới, với quy mô, tầm vóc của cách mạng; với sức mạnh, trình độ ngày càng cao của mình, nhân dân ngày càng khẳng định được vai trò và là nhân tố quan trọng để thực hiện thành công mọi sự vận động của xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân từng bước đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử; quy mô, trình độ nền kinh tế không ngừng được nâng lên... tạo được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế chưa bao giờ có được như ngày nay.
Kết quả to lớn đó không phải tự nhiên có, mà đó là do nhân dân tin Đảng, theo Đảng làm cách mạng. Ngược lại, vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân, mà Đảng đã đặt lợi ích của quần chúng làm mục tiêu phấn đấu. Do đó, việc gắn bó chặt chẽ với nhân dân là quy luật tồn tại, nhân tố quyết định sức mạnh của Đảng. Đây là mối quan hệ tin cậy lẫn nhau, tín nhiệm lẫn nhau. Từ nhận thức đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng luôn thực hiện nghiêm túc quan điểm lấy dân làm gốc.
Trong điều kiện mới, Đảng ngày càng mở rộng và tăng cường mối quan hệ với nhân dân. Tuy nhiên với vai trò lãnh đạo, vị thế cầm quyền, tính chất và phương thức lãnh đạo mới, mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân cũng có những đòi hỏi cao hơn và đang đứng trước những thử thách mới. Mặt khác, Đảng phải ra sức khắc phục những vấn đề đặt ra do những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường như tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền trong một số cơ quan lãnh đạo và quản lý. Những hiện tượng tham nhũng, sách nhiễu dân, lợi dụng chức quyền để mưu lợi cá nhân của cán bộ đảng viên vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Một bộ phận cán bộ, đảng viên trong điều kiện đảng cầm quyền đã không giữ được phẩm chất cách mạng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc. Đây chính là vấn đề khiến cho các phần tử cực đoan, bất mãn lợi dụng để nói xấu, xuyên tạc, làm tổn hại đến uy tín của Đảng. Do đó, việc cũng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa là vấn đề hết sức quan trọng vừa mang tính yêu cầu vừa là mục tiêu mang tính cấp thiết của công tác xây dựng Đảng.
Để cũng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, cần thực hiện nghiêm quan đểm “dân là gốc”, quan tâm chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống nhân dân. Cần phải đặt nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Xây dựng và chỉnh đốn Đảng, cơ quan Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhất là chính quyền các cấp, trong đó đặc biệt quan tâm tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật kỷ cương trong hoạt động của nhà nước. Phát huy vai trò, sự tham gia của người dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, giữa các vùng, địa phương. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện pháp luật, gắn bó mật thiết với nhân dân. Phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên.
Tiếp tục hoàn thiện và thực thi quy định về đạo đức công vụ, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu, cán bộ công chức, viên chức. Tập trung xây dựng, chỉnh đốn đội ngũ và tổ chức của Đảng, làm cho tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên thực sự gương mẫu, tiên phong, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, xứng đáng niềm tin của nhân dân. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu dân. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, có cơ chế tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo; lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dung nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đương đầu với thử thách, khó khăn và quyết liệt vì lợi ích nhân dân, lợi ích dân tộc.
Đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội để phát huy vai trò nòng cốt trong công tác vận động quần chúng. Vì đây vừa là các tổ chức đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, vừa là cơ quan thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội, phát huy truyền thống đoàn kết, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân. Do đó, việc phát huy vai trò, vị trí của các đoàn thể trong hệ thống chính trị để họ thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ do Hiến pháp và pháp luật quy định là vấn đề hết sức quan trọng. Để thực hiện tốt điều này, các cấp ủy đảng phải làm tốt hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức đoàn thể, nhất là công tác bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; chỉ đạo các đoàn thể nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, không ngừng đổi mới phương thức vận động quần chúng sao cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ và sự biến đổi của những nhiệm vụ lịch sử mới, theo hướng đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân trên cơ sở coi trọng nhu cầu, nguyện vọng, tính tự giác của quần chúng. Trong đó, chú ý tới tính đặc thù văn hóa, đặc điểm địa phương, phong tục, tập quán của mỗi vùng miền, đối tượng, dân tộc khác nhau.
Thực hiện tốt công tác dân vận; quan tâm cơ chế phối hợp giữa Đảng và chính quyền, các cơ quan, đoàn thể nhân dân. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, quy định, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo. Giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể những điều người dân cần biết trong phạm vi thẩm quyền. Kịp thời phát hiện những thiếu sót, bất cập trong chủ trương, chính sách để đề xuất khắc phục và kiến nghị bổ sung, hoàn thiện kịp thời. Thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo, các vấn đề an sinh xã hội, uống nước, nhớ nguồn, đền ơn, đáp nghĩa; hướng các hoạt động về cơ sở, tập trung vào những địa bàn vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào có đạo, dân tộc thiểu số. Tăng cường đối thoại, trao đổi trực tiếp với nhân dân; quan tâm đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Tăng cường tuyên truyền, làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp, đồng thời có hình thức phù hợp để định hướng dư luận xã hội, đấu tranh phản bác những thông tin sai trái, lệch lạc, xấu, độc nhất là trên mạng xã hội. Tập trung tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc để nhân dân tin tưởng, tham gia bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tạo nền tảng chính trị đảm bảo vai trò, vị thế, uy tín và sức mạnh của Đảng, Nhà nước và chế độ./.
Kim Lưu