Trả lời:
Từ Đại hội VII của Đảng (6-1991) trở về trước, văn kiện các kỳ Đại hội và Điều lệ Đảng đều khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động”. Song, từ quá trình nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với tiến trình cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII của Đảng đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của dân tộc và nhân loại, nắm vững quy luật khách quan và thực tiễn đất nước để đề ra cương lĩnh chính trị đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”.
Có thể nói, đây là bước phát triển lớn trong tư duy, nhận thức và hoạt động thực tiễn về nền tảng tư tưởng của Đảng; thể hiện rõ quan điểm nhất quán về mặt tư tưởng: cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận cơ bản cấu thành hệ tư tưởng, thế giới quan, phương pháp luận của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam (6/1991). Ảnh tư liệu.
Thực tiễn từ những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh rằng: Nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là trong 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng chính là nhờ Đảng luôn kiên định, nắm vững và vận dụng sáng tạo, đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI xác định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”.
Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, khoản 1, Điều 4 xác định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Như vậy, từ những luận giải trên, có thể khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nền tảng tư tưởng của Đảng được biểu hiện: (1) Trong lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin (Triết học Mác - Lênin; Kinh tế chính trị học Mác - Lênin; Chủ nghĩa xã hội khoa học), tư tưởng Hồ Chí Minh; qua các kết quả nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; qua các văn bản, tài liệu giảng dạy về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. (2) Trong đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng; Cương lĩnh chính trị của Đảng; Văn kiện của Đảng. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng đều được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, ai chống đối hay phủ nhận đường lối của Đảng thì đương nhiên chống đối, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. (3) Trong Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. (4) Trong thực thiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (5) Trong tư tưởng,nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng.
Thọ Anh