Lợi dụng các địa phương triển khai xây dựng các dự án hạ tầng quan trọng như cao tốc, sân bay, các khu đô thị mới hay công bố thông tin điều chỉnh quy hoạch, giới “cò đất” và môi giới BĐS đã tung nhiều chiêu trò, “thổi” giá lên gấp nhiều lần so với giá trị thực, tạo nên tình trạng sốt đất ảo. Người ta ghi nhận phân khúc đất nền, đất thổ cư, đất vườn,… tại một số “điểm nóng” của BR-VT đã không ngừng tăng lên, trung bình tăng 10% sau 1 tháng, cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Nhiều “cò đất” không chỉ sống được mà còn sống khỏe bởi BĐS thường có giá trị lớn, được hưởng hoa hồng cả của người bán lẫn khách mua. Chỉ cần ăn chênh một giá của giao dịch “cò đất” đã có thu về vài chục, thậm chí cả trăm triệu đồng. Trong khi đó, không ít nông dân, người đầu tư thiếu chuyên nghiệp lại trở thành nạn nhân của những cơn sốt đất ảo.
Cũng như nhiều địa phương khác, giới “cò đất” ở BR-VT phần lớn không có chứng chỉ hành nghề, yếu về chuyên môn nhưng hoạt động lăn xả, sẵn sàng lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch mua bán đất. Không chỉ tung thông tin sai lệch để thổi giá, giới “cò đất” còn tích cực quảng bá cho những dự án ma, tạo nên những cơn “sốt đất” nhức nhối trên địa bàn. Các “dự án” của Alibaba trên địa bàn TX. Phú Mỹ trước đây hay dự án KDC sinh thái Eco Garden, KDC Eco City 6, KDC Solar City (cũng tại TX. Phú Mỹ) gần đây, các dự án Billand Villa HPC hoặc Hồ Tràm Airport City (tại huyện Đất Đỏ) thực chất là những dự án “ma” nhưng lừa được một số nhà đầu tư tham gia “lướt sóng” là có sự tiếp tay đắc lực của đội quân này.
Trong bối cảnh đó, Nghị định 16 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng ra đời với nhiều chế tài mạnh tay. Theo đó, không phải cá nhân nào cũng có thể được làm “cò đất” mà chỉ người có chứng chỉ hành nghề còn thời hạn sử dụng mới được môi giới BĐS. Những “cò đất tự phong”, không có chứng chỉ hành nghề có thể bị phạt cao nhất đến 60 triệu đồng và phải bổ sung chứng chỉ hành nghề theo quy định; Ngoài những khoản tiền đã thỏa thuận, người môi giới BĐS không được thu thêm chi phí khác, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 120-160 triệu đồng. Người môi giới BĐS không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc không trung thực hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình môi giới sẽ bị phạt tiền từ 200-250 triệu đồng…
Người ta hy vọng thông qua các quy định chặt chẽ cộng với biện pháp chế tài mạnh, Nghị định 16 sẽ giúp chuẩn hóa nghề môi giới BĐS, giúp thị trường này phát triển ổn định, ngăn chặn tình trạng “cò đất” hoạt động trái phép, cũng như tình trạng đầu cơ thổi giá đất…
Các hoạt động không chuyên, làm ăn chụp giật, thiếu uy tín, bất chấp đạo đức luật pháp của giới “cò đất” đã gây ra nhiều hệ lụy xấu cho thị trường BĐS ở nhiều địa phương, trong đó có BR-VT… Sự ra đời của Nghị định 16 là cần thiết, có thể hạn chế được nạn “cò đất”, “đầu nậu” bắt tay nhau “bơm”, “thổi giá” đất dẫn đến cơn sốt giả tạo, gây nhiễu loạn thị trường. Tuy vậy, trị “cò đất” lộng hành phải chặn từ gốc. Cái gốc đó chính là vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Để chặn sốt đất ảo, chính quyền địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, quản lý đất đai trên địa bàn, có giải pháp ngăn chặn nguy cơ sốt đất ảo từ trong trứng nước. Điều quan trọng là công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời, chính xác. Thực hiện tốt điều này, giới “cò đất”, “đầu nậu” sẽ hết cửa làm ăn.
Để không bị cuốn vào rủi ro của các cơn sốt đất, các nhà đầu tư cần thận trọng kiểm tra pháp lý các dự án trước khi “xuống tiền”. Người dân không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất nông nghiệp và đất ở để sau này không có đất để sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài.