Có cơ chế buộc các tập đoàn kinh doanh mạng xã hội thực hiện trách nhiệm xã hội
Ngày nay, khi có quá nhiều người dùng mạng xã hội đã gây tập trung thông tin vào một số tập đoàn kinh doanh mạng xã hội. Vì thế các mạng xã hội sẽ đồng thời là các tập đoàn dữ liệu lớn nắm giữ một lượng lớn thông tin về người dùng. Về dài hạn, bằng cách gom đủ dữ liệu kết hợp với trí tuệ nhân tạo các tập đoàn dữ liệu khổng lồ sẽ “bẻ khóa” những suy nghĩ của từng cá nhân để “điều khiển” người dùng. Nếu như trước đây, các hiệu ứng, định hướng xã hội thường theo xu hướng đám đông, hoặc theo định hướng từ các vĩ nhân, người có uy tín, thì theo xu hướng mới của công nghệ ngày nay, các tập đoàn dữ liệu càng lớn càng có khả năng định hướng người dùng, qua đó định hướng xã hội. Bê bối bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đã cho thấy một phép thử khi mạng xã hội điều khiển cử tri. Giả sử những thế lực thù địch bằng cách nào đó có thể nắm giữ một lượng lớn dữ liệu người dùng, phán đoán được quan điểm, xu hướng chính trị của họ, kết hợp với các thuật toán của công nghệ trí tuệ nhân tạo, chúng sẽ định hướng người dùng tin vào những thông tin sai trái, thù địch thì sẽ cực kỳ nguy hiểm. Hiện nay, vấn đề này không còn là giả thuyết nữa, ngày 11/7/ 2021, một số phần tử Cuba xuống đường gây rối, phản đối chính sách kinh tế - xã hội của Chính phủ và yêu cầu lãnh đạo Nhà nước từ chức. Đây là một âm mưu không mới, nhưng cách làm thì đã khác trước “Đó là cách thức sử dụng, lợi dụng phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là mạng xã hội để tập hợp, kết nối, tuyên truyền, chỉ đạo các hoạt động chống đối. Lãnh đạo Cuba tố cáo đây là một chiến dịch khủng bố truyền thông (media terrorism)” . Ở Việt Nam với 72 triệu người sử dụng mạng xã hội thì vấn đề này cũng không có gì xa lạ, các thế lực thù địch cũng đã và đang sử dụng mạng xã hội để lôi kéo, kích động, tuyên truyền thông tin sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước. Do đó đặt ra vấn đề cần có giải pháp để buộc các tập đoàn kinh doanh mạng xã hội phải thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.
Các tập đoàn kinh doanh mạng xã hội được ví như những “người gác cửa”, cung cấp dịch vụ mạng xã hội cho người dùng nhưng cũng phải có trách nhiệm trong việc kiểm soát thông tin họ đăng tải lên đó, đồng thời bảo mật thông tin người dùng, hoặc cung cấp thông người dùng cho nhà chức trách để xử lý các vụ vi phạm. Đây là trách nhiệm xã hội mà các tập đoàn kinh doanh mạng xã hội phải thực hiện. Nếu không thực hiện tốt trách nhiệm này, các tập đoàn kinh doanh mạng xã hội sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Ngày nay phần lớn các mạng xã hội thuộc sở hữu tư nhân, do đó quyền kiểm duyệt thông tin đăng tải lên mạng xã hội, bảo mật thông tin lại thuộc trách nhiệm của cá nhân chứ không phải nhà nước. Các doanh nghiệp này thừa nhận họ có trách nghiệp kép là đảm bảo lợi nhuận và tạo môi trường mạng xã hội lành mạnh, chuyện gì sẽ xảy ra khi hai mục tiêu này xung đột? Việc kiểm duyệt thông tin và bảo mật thông tin khách hàng kiến họ suy giảm lợi nhuận thì sao? Đối với các tập đoàn xuyên quốc gia như Facebook, Google, Youtube,… thì vấn đề còn trở nên phức tạp hơn. Điều này đặt ra yêu cầu cần sự phối hợp của các Chính phủ để xây dựng hệ thống pháp luật mang tính quốc tế chặt chẽ, đủ mạnh buộc các tập đoàn kinh doanh mạng xã hội thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về quản lý thông tin trên mạng xã hội
Ở Việt Nam, có Điều 5 khoản 1 của Nghị định 72/2013 NĐ-CP đã quy định những hành vi bị cấm. Cụ thể là lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng xã hội nhằm mục đích: chống lại nhà nước, tuyên truyền chiến tranh, khủng bố, gây thù hận, mâu thuẫn giữa các dân tộc, tôn giáo, sắc tộc, tuyên truyền kích động bạo lực,… Luật pháp Việt Nam gộp chung 2 khái niệm thông tin gây thù hận và tin giả vào cùng khái niệm “tin xấu độc” . Ngoài ra còn có Thông tư 38/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới đề cập đến những biện pháp ngăn chặn và loại bỏ những nội dung thông tin xấu độc trên môi trường internet Việt Nam . Từ việc xây dựng hệ thống pháp luật về quản lý thông tin trên mạng xã hội các quốc gia có thể ngăn chặn những thông tin tiêu cực nguy hại đến lợi ích quốc gia, cá nhân và tổ chức, đồng thời có cơ sở để trừng phạt người vi phạm, từ đó hạn chế được việc sản xuất, phát tán tin xấu độc, bao gồm cả những thông tin xuyên tạc thù địch chống phá Đảng và Nhà nước.
Áp dụng công nghệ để ngăn chặn những thông tin sai trái, thù địch, xuyên tạc trên mạng xã hội
Nếu loài người có thể tạo ra được một công cụ kết nối vi diệu như mạng xã hội thì tại sao không tạo ra được công cụ công nghệ tương tự để kiểm soát nó. Công cụ này có thể lọc bỏ nội dung thông tin nguy hiểm và góp phần bảo mật thông tin cá nhân. Đây là một giải pháp thông minh nhưng khá nan giải để thực hiện vì thông tin trên mạng xã hội quá đa dạng về ngôn ngữ, sắc thái, hình thức biểu đạt, việc công nghệ có thể nhận biết sai là điều không tránh khỏi, ví dụ bức ảnh “Cô gái napalm” của tác giả người Mỹ gốc Việt - Nick Út chụp 1972, đã bị Facebook gỡ bỏ với lý do vi phạm những quy định về khỏa thân. Khi bị phản đối về việc này, Facebook đã cho đăng tải bức ảnh nhưng che kín hết phần thân cô gái khiến một tác phẩm nhiếp ảnh trở nên ngớ ngẩn. Mặc dù cuối cùng bức ảnh được đăng tải trọn vẹn nhưng nó cho thấy giới hạn của công nghệ trong việc kiểm duyệt thông tin trên mạng xã hội. Đối với các thông tin sai trái thù địch thì còn khó hơn do thông tin biểu đạt bằng hình thức hết sức tinh vi về ngôn ngữ, đa dạng về thể loại (clip, bài viết, hình ảnh,…). Điều này cho thấy chúng ta cần phát triển những công nghệ xử lý thông tin ưu việt hơn nữa, trong bối cảnh bùng nổ trí tuệ nhân tạo thì giải pháp này là có tính khả thi. Chúng ta cần coi đây là giải pháp căn cơ lâu dài để có chiến lược phát triển.
Giáo dục công dân mạng ở tất cả các cấp học
Thông qua sự kiện điều trần của ông chủ Facebook, chúng ta hiểu rằng “Facebook khẳng định không bán thông tin người dùng, tuy nhiên họ lưu trữ tất cả. Bản thân người dùng cần hiểu rõ mình đăng tải cái gì, và chấp nhận điều khoản của Facebook” , điều này cho thấy tính chủ động, tự giác của người dùng là quan trọng nhất trong việc chống lại những ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội. Do vậy giáo dục là biện pháp cực kỳ quan trọng, đặc biệt là đối với thanh niên vì đây là đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất và cũng dễ bị tổn thương, kích động nhất trước thông tin xấu độc của mạng xã hội. Giáo dục cho công dân biết thế nào là tin giả cũng như tác hại của nó đối với quyền công dân và lợi ích quốc gia. Ở Việt Nam cần trang bị thêm những kiến thức chuẩn mực về nền tảng tư tưởng của Đảng, từ đó công dân có thể nhận diện được những thông tin sai trái, xuyên tạc, thù địch trên mạng xã hội. Ngoài ra còn cần trang bị cho công dân kỹ năng tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình để tránh bị kẻ xấu lợi dụng vào các mục đích chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.
Năm 2015, diễn đàn toàn cầu Boston đã đưa ra bộ quy tắc ứng xử đối với cư dân mạng, trong đó có đoạn:
“+ Ứng xử với thông tin
- Đánh giá độ tin cậy của thông tin trước khi chấp nhận
- Không phát tán thông tin không đáng tin cậy hay thông tin sai
+ Không phát tán thông tin
- Không tán thành những bình luận của người khác khi chưa kiểm chứng thông tin
- Không đăng bình luận tiêu cực về cuộc sống riêng tư của người khác
- Không chia sẻ hay bình luận về những lời nói xấu chưa kiểm chứng hay không đáng tin cậy về các thương hiệu, các tổ chức hay các nhân vật của công chúng
- Có thái độ xây dựng, độc lập và mang tính khích lệ khi bình luận” .
Ở Việt Nam, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Đây được xem là “Thể chế mềm”, điều chỉnh mọi hành vi, ứng xử trên mạng xã hội của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng đến mục đích cuối cùng là xây dựng mạng xã hội lành mạnh, tích cực; hình thành chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội… Những nội dung này cần đưa vào chương trình giáo dục các cấp học, coi đây là giải pháp ưu tiên hàng đầu so với tất cả các biện pháp xử lý khác, để mỗi công dân có đủ năng lực nhận thức, tinh thần trách nhiệm trước mỗi click chuột, share hoặc like một nội dung nào đó trên mạng xã hội.
Ngày nay, không thể chối bỏ những lợi ích của mạng xã hội đã mang cho loài người, tuy nhiên cần phải thấy rằng mạng xã hội là công cụ để kết nối, phát triển mối quan hệ chứ không phải là thứ gieo rắc tin giả, hay để chống phá một thể chế tiến bộ nào đó. Mạng xã hội tồn tại và phát triển là một lẽ tất yếu, song cần có một hệ sinh thái lành mạnh, do vậy thì cần có sự quản lý, kiểm soát thích hợp, nhất là trong bối cảnh ngày nay các thế lực thù địch ở các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng đều sử dụng triệt để mạng xã hội cho các mục đích xấu. Điều này cần sự nỗ lực của các chính phủ với những giải pháp hữu hiệu, trên phạm vi lớn hơn, nó cần sự hợp tác toàn cầu vì thế giới đang ngày càng “phẳng” hơn./.
Vân Hạnh