Năm 2020 được xác định là năm bứt phá hoàn thành nhiều Chương trình, dự án, đề án quan trọng thuộc các lĩnh vực của ngành kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (PTNT) giai đoạn 2016 – 2020. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chuẩn bị kỹ càng các phương án, kế hoạch, sẵn sàng tạo bứt phá khi dịch bệnh lắng xuống.
Tăng cường kết nối
Trong 2 năm gần đây, số lượng hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng gia tăng, đang dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững. Năm 2018, cả nước có gần 1.200 HTX tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong năm 2019, cả nước đã thành lập mới được 6 liên hiệp HTX nông nghiệp, 1.800 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 45 liên hiệp HTX nông nghiệp, 15.300 HTX nông nghiệp, trong đó có gần 73% số HTX hoạt động hiệu quả (năm 2018 là 55%). Tỷ lệ HTX tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã viên tăng từ dưới 10% trước đây lên 24,5%.
Đến nay, nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Một số HTX đã chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường, không những trong nước mà còn xuất khẩu.
Tuy nhiên, bước sang năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động động to lớn và tiêu cực đến đời sống xã hội của người dân, các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội nói chung, các kế hoạch và hoạt động của ngành kinh tế hợp tác và PTNT nói riêng.
Tính đến đầu tháng 3/2020, theo đánh giá của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chỉ có một bộ phận các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác sản xuất lúa gạo, chăn nuôi gia cầm, lợn, rau xanh tiếp tục phát triển do nhu cầu thị trường trong nước tăng, giá bán có lãi.
Trong khi đó, gần 70% thành viên của các HTX nông nghiệp không nhập được giống cá, giống cây trồng từ Trung Quốc; giảm 45% giá bán nông sản, thực phẩm (rau, củ, quả, xoài, mít, cam, bưởi, thanh long, tôm, cua…) so với tháng 12/2019. Các HTX, liên hiệp HTX xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc bị đình trệ, giảm 40% kim ngạch xuất khẩu.
Để ứng phó với đại dịch Covid-19, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đã chỉ đạo xây dựng ngay kế hoạch liên kết cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm theo liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa HTX, liên hiệp HTX với doanh nghiệp, kịp thời ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19; chỉ đạo các Chi cục PTNT theo dõi, thống kê các hợp tác xã chịu ảnh hưởng nặng của đợt dịch bệnh và tham mưu ngay cho chính quyền địa phương các cấp các biện pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời.
Hiện tại, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đã thiết lập mạng zalo kết nối trực tiếp với trên 1.300 lãnh đạo các HTX và trang trại cả nước, cán bộ của 63 Chi cục PTNT và một số các doanh nghiệp, siêu thị cùng đồng hành với các HTX để có thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh và ảnh hưởng của dịch bệnh đến sản xuất kinh doanh.
"Thông tin kịp thời cho các HTX, các phương pháp và biện pháp sản xuất kinh doanh an toàn trong thời gian dịch bệnh, tránh hoảng loạn, cực đoan ngừng sản xuất, kinh doanh" – Cục Kinh tế hợp tác và PTNT khẳng định.
Trước yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về cách ly toàn xã hội, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT chỉ đạo các Chi cục PTNT làm việc với chính quyền các cấp tạm dừng tổ chức các Hội nghị thành lập HTX mới, nhưng vẫn chuẩn bị hồ sơ và các điều kiện khác đăng ký thành lập HTX, để khi có điều kiện cho phép có thể triển khai ra mắt các HTX mới thành lập, đảm bảo tiến độ thành lập 2.000 HTX trong năm 2020.
Chuẩn bị sẵn các điều kiện để tạo bứt phá
Trong lúc chưa tổ chức các hoạt động đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đang hướng dẫn (qua hệ thống thông tin trực tuyến) và phối hợp với các địa phương hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu từ cấp Trung ương đến địa phương về lao động nông nghiệp, đào tạo nghề nông nghiệp phục vụ cho chiến lược đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp cho giai đoạn tới.
Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng và đề xuất các nội dung liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025 về bảo tồn và phát triển làng nghề, các mô hình phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Đối với lĩnh vực giảm nghèo và an sinh xã hội, trong khi các hoạt động ngoài thực địa tạm dừng do đại dịch Covid-19, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đề nghị các địa phương, đơn vị chuẩn bị trước các phương án, điều kiện để có thể tổ chức thực hiện các tiểu dự án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo năm 2020 ngoài thực địa nhanh nhất có thể.
Cùng với đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất để giảm nghèo có hiệu quả. Đặc biệt chú trọng xây dựng kế hoạch triển khai các mô hình về nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng (tại 28 tỉnh) theo kế hoạch hành động của Ban Chỉ đạo Quốc gia Chương trình "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025 để nhân rộng.
Với các nhiệm vụ về bố trí dân cư, cơ giới hóa nông nghiệp, nghề muối, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT chỉ đạo tập trung nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách về đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp. Xây dựng chương trình bố trí dân cư giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối đến năm 2025 và năm 2030, chuẩn bị trước các điều kiện để tổ chức các lớp tập huấn vệ sinh an toàn lao động, xây dựng lại kế hoạch công tác tại các địa phương phù hợp với tình hình thực tế.
Theo danviet.vn