Có được kết quả này, toàn ngành Y đã phải nỗ lực rất nhiều, tuy nhiên, vụ án “Việt Á” lại như cơn gió giật ngược trong giông bão, phang đòn chí tử vào hệ thống quản lý của ngành Y tế. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bị bắt vì “sai phạm nghiêm trọng” với các từ ngữ không còn gì nặng nề hơn để diễn tả:
“Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng Bộ Y tế”.
Suốt cả thời gian dài, công an cứ lần lượt “điểm danh” các giám đốc CDC địa phương cùng các cán bộ liên quan đến vụ việc. Mới đây nhất, cán bộ cấp cao, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, người lăn lộn khắp các tâm dịch thời kỳ đầu phát dịch, từng đảm nhận trưởng bộ phận thường trực chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP HCM cũng đã đệ đơn xin nghỉ việc.
Bệnh viện, cơ sở y tế có “trót nhúng chàm” nháo nhác, nem nép như “rắn mồng năm”, từ trên xuống dưới không tập trung cao vào công việc chuyên môn. Nguy cơ đình trệ về dịch vụ y tế, khám, cứu chữa bệnh cho người dân là có thật khi từ lãnh đạo đến nhân viên người như “ngồi trên đống lửa”, người “nằm im thở khẽ, nói nhẹ, cười duyên”, không dám triển khai mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc men gì phục vụ cho công tác khám chữa bệnh.
Đau xót thay khi lớp tinh hoa một thời giám đốc, bác sĩ bây giờ “cơm cân, áo số”, thân bại danh liệt… Mong sao trong tù là thời gian họ hối cải, sửa chữa sai lầm, có cơ hội cống hiến làm lại cuộc đời.
Sai phạm đến đâu xử lý đến đó, pháp luật nghiêm khắc nhưng công bằng. Ngoài pháp luật, họ còn phải trả giá bằng cả “bia miệng tiếng đời” vì trục lợi “cạo xương, hút máu” đồng bào trong lúc dịch bệnh “nước sôi lửa bỏng”.
“Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt”, người sống bất lương trời không dung thứ bao giờ. Còn người lương thiện thì chính sự lương thiện cũng là một thành công, là bậc thang vững chắc để tiến tới thành công to lớn hơn.
“Tái ông mất ngựa”, trong cái rủi có cái may, cơn bão "Việt Á" lần này sẽ quét sạch sâu mọt tham lam, cành khô, lá úa, chỉ còn lại cành chắc, lá lành trong rừng cây xanh tươi của ngành Y tế. Những người còn lại sẽ gánh vác sứ mệnh chăm lo sức khỏe, chữa bệnh cho nhân dân, sẽ hết lòng phụng sự đất nước, nhân dân.
Người không bị mù mắt bởi lòng tham, chắc chắn sẽ sáng mắt, sáng lòng đối với con người. Cái họ cần là nhân dân hãy tin tưởng, ủng hộ vào việc họ sẽ làm, cho họ thời gian để lấy lại lòng tin.
Qua vụ việc này, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận về thể chế sắp xếp nhân lực tại Việt Nam. Ở nước ngoài hay tiến bộ như nước Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng không nhất thiết phải là tướng lĩnh xuất thân trong quân đội mà là chính khách tầm cỡ. Bộ trưởng Y tế không nhất thiết là bác sĩ, tiến sĩ, giáo sư mà là chính trị gia giỏi quản trị, quản lý.
Giáo sư, tiến sĩ nên chuyên tâm vào nghiên cứu, phát minh khoa học, giảng dạy để phát huy tài năng chuyên môn của mình. Hãy để các nhà quản lý có tâm sáng, tầm cao, tài lớn quản trị và điều hành. Bộ trưởng là tổng tư lệnh của ngành, là kim chỉ nam hút mọi hoạt động theo hướng đi với quyết sách mang tầm chiến lược sẽ giúp ích cho dân cho nước, tiếng thơm lưu lại lâu dài.
Lựa chọn ngành có tính chuyên môn đặc thù cao như ngành Y tế, nhân sự cấp cao cần có cả sự quyết đoán, không nhất thiết cứ phải là Đảng viên mà quan trọng là sự công tâm, vô tư, năng lực và sự tận hiến trung thành tuyệt đối với Tổ quốc.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, người đứng mũi chịu sào vực dậy ngành Y tế lần này, trách nhiệm lớn lao nhưng vinh dự không hề nhỏ. Trách nhiệm kéo đứng dậy ngành Y tế sau cơn bão đại dịch cùng cơn bão khủng hoảng niềm tin của nhân dân.
Gió thổi tắt ngọn lửa nhỏ nhưng sẽ làm bùng lên ngọn lửa lớn. Hy vọng, người đứng đầu ngành Y sắp tới sẽ là người thắp lên ngọn lửa truyền thống “lương y như từ mẫu”, thổi luồng gió mới vào công tác quản lý, điều hành; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe tính mạng của người dân lên trên hết; sử dụng ngân sách hiệu quả, tiết kiệm chăm lo sức khỏe, chữa bệnh cho nhân dân.
Mong rằng, người đứng đầu ngành Y lần này sẽ xứng đáng với danh xưng người “thầy thuốc nhân dân” mà người dân Việt Nam kính trọng, thương yêu./.
Minh Tuấn (Theo Diễn đàn doanh nghiệp)