Biết ơn vô hạn
Những ngày qua, bà Phạm Thị Hương, ngụ phường Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú, TPHCM) và đồng đội trong Câu lạc bộ Nữ cựu chiến binh phường tất bật tính toán, lên kế hoạch để hoàn tất các khâu chuẩn bị cho buổi gặp mặt đồng đội nhân dịp 27-7. Từ nhiều năm nay, vào các dịp lễ, tết, bà Hương thường nấu bữa tiệc mời các cựu chiến binh về họp mặt ngay trong khuôn viên sân nhà mình. Bà cũng trích phần tiền tiết kiệm để thăm hỏi, tặng quà, chăm lo các gia đình cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn. Bà xem đây là việc làm tri ân đồng đội.
Bà Hương còn thường xuyên thăm hỏi, chăm lo các Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn. Dù đã gần 100 tuổi, nhưng mỗi lần gặp bà Hương, mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Năm lại nhắc về buổi tiệc mừng thọ ấm áp, hạnh phúc mà bà Hương tổ chức cho mẹ.
“Nhiều lần đến thăm mẹ Năm, nghe mẹ nói chưa một lần được tổ chức tiệc sinh nhật, vậy là tôi bàn với địa phương thực hiện. Bữa tiệc chỉ đơn sơ nhưng mẹ Năm đã cười tươi hạnh phúc. Từ đó, tôi tâm niệm, làm được gì để đền đáp công lao, sự hy sinh to lớn của mẹ thì tôi nguyện được thực hiện suốt đời mình”, bà Hương xúc động.
Công đoàn cơ quan Thành đoàn TPHCM thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Bảy. Ảnh: SGGP
Trở thành việc làm định kỳ, hàng tháng Công đoàn cơ quan Thành đoàn TPHCM lại đến nhà thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Bảy (ngụ quận 8). Mẹ Bảy có chồng và con trai hy sinh. Mỗi lần đến thăm, các công đoàn viên thường nán lại rất lâu để được nghe mẹ kể về những kỷ niệm thời làm giao liên, tiếp tế. Trong từng câu chuyện kể, mẹ như được sống lại với những ký ức hào hùng. Và nhờ thường xuyên được gặp gỡ, thăm hỏi, mẹ Bảy thấy mình không đơn độc.
Nghĩa cử của bà Hương, rồi các hoạt động nối dài bởi tuổi trẻ TPHCM, chỉ là một số trong rất nhiều những hoạt động, việc làm thiết thực phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng và chăm sóc người có công của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể và đông đảo nhân dân trên địa bàn TPHCM. Ngoài việc phụng dưỡng suốt đời các Mẹ Việt Nam anh hùng, các tổ chức, đoàn thể còn có nhiều hoạt động thiết thực quan tâm chăm lo cho các mẹ, như: khám sức khỏe thường xuyên và định kỳ, xây sửa nhà, nấu cơm gia đình tại nhà, thay mới các khung bằng Tổ quốc ghi công, huân huy chương…
Mệnh lệnh trái tim
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn chia sẻ, TPHCM là một đô thị đặc biệt, luôn mang tinh thần vì cả nước, cùng cả nước, nên các hoạt động đền ơn đáp nghĩa không chỉ được thành phố triển khai trên khắp 24 quận huyện, mà còn lan tỏa, mở rộng tri ân tới người có công ở nhiều tỉnh thành. TPHCM đã có nhiều hoạt động thiết thực, thực hiện đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cựu tù chính trị bị địch bắt, tù đày. Thành phố cũng cử đoàn đại biểu đi thăm 391 thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam anh hùng tại trung tâm điều dưỡng ở các tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Bà Rịa - Vũng Tàu; trao quà các gia đình chính sách khó khăn ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre…
Tại Côn Đảo - hòn ngọc thiêng liêng của Tổ quốc, trong suốt chặng đường lịch sử 113 năm (1862-1975), đã bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ biến nơi đây thành “địa ngục trần gian” để giam cầm, tra tấn và giết hại hàng vạn người con ưu tú của dân tộc, TPHCM đã góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần các gia đình chính sách, có công và người dân nơi đây. Các đại biểu đã thăm hỏi các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh liệt sĩ, vợ liệt sĩ; tặng thiết bị phòng học thông minh giúp con em Côn Đảo có điều kiện học tập thuận lợi; tổ chức chương trình văn nghệ đặc biệt phục vụ người dân…
Ở độ tuổi gần 80, trong không khí những ngày tháng 7 linh thiêng, ông Võ Ái Dân (ngụ quận 10, TPHCM), cựu tù chính trị bị giam giữ tại Côn Đảo được TPHCM tổ chức trở lại nơi mình từng bị giam giữ, thắp nén tâm nhang tri ân đồng đội, đồng bào nằm xuống trên mảnh đất này. “Càng xúc động khi buổi tối được cùng ngồi với mấy đứa nhỏ ở Côn Đảo coi văn nghệ. Khu vực sân khấu chật cứng người coi. Toàn nghệ sĩ nổi tiếng được TP mời đến phục vụ bà con. TPHCM đã làm được các hoạt động sâu sắc, ý nghĩa như vậy tại Côn Đảo!”, ông Võ Ái Dân chia sẻ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng sự hy sinh vô cùng to lớn, quên mình của những anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng sẽ sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Những cảm xúc tha thiết trong tiếng lòng của mỗi chúng ta cũng là lời thôi thúc từ trái tim, nguyện sẽ hành động để nối dài những lý tưởng mà bao thế hệ đã một lòng tranh đấu: đó là cùng chung tay xây dựng một nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, với cuộc sống cơm no áo ấm cho tất cả mọi người”.
Tri ân những công lao to lớn ấy, thế hệ trẻ tại TPHCM đã có mô hình Công trình Số hóa các bia mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM. Với mô hình số hóa này, việc tìm kiếm thông tin vị trí các phần mộ liệt sĩ đã rất nhanh gọn, giúp thân nhân dễ dàng xác định vị trí ngôi mộ liệt sĩ cần tìm chỉ sau vài phút. Đến nay, công trình đã tích hợp toàn bộ dữ liệu các bia mộ của hơn 14.000 liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM và của 8.000 liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Củ Chi vào bản đồ số. Công trình số hóa còn hỗ trợ chức năng giúp gia đình, thân nhân, đồng đội chủ động cung cấp những di vật, tư liệu, câu chuyện của các anh hùng liệt sĩ. |
Nguồn SGGP