Những kết quả bước đầu
Những năm qua, Nghệ An đã chú trọng quan tâm tới hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản kế hoạch tạo động lực cho nông nghiệp phát triển, hình thành mạnh mẽ các chuỗi liên kết nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Trong đó, phải kể đến Quyết định số 3396/QĐ-UBND ngày 6/8/2015 về phát triển sản xuất ngành Nông nghiệp tỉnh Nghệ An đến 2020, tầm nhìn đến 2030; Quyết định số 72/2015/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng và phát triển thương hiệu giai đoạn 2016 - 2020.
Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết số 14 với 28 nội dung, chính sách về nông nghiệp, nông thôn với mục tiêu là khuyến khích tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Tỉnh cũng đã xác định mục tiêu 4 vùng chiến lược phát triển chuỗi giá trị, gồm: Vùng chiến lược thúc đẩy sản xuất nông sản an toàn ở Vinh, Cửa Lò (rau an toàn, trứng gà); vùng sản xuất nguyên liệu thô cho chế biến thực phẩm, xuất khẩu: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai (lạc, vừng, gạo); vùng chiến lược thúc đẩy sản xuất nông sản có giá trị gia tăng cao: Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, TX Thái Hòa và vùng thúc đẩy sản xuất nông sản đặc dụng: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu (gừng, tỏi, cây ăn quả, chè, bò Mông, lợn đen, gà đen).
Nông nghiệp Nghệ An đã có nhiều chuyển biến, rõ rệt nhất chính là đời sống của 75% dân số phụ thuộc vào nông nghiệp được cải thiện rõ rệt. Việc triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm cũng tạo cơ hội cho nông nghiệp Nghệ An có cơ hội được đầu tư vào chiều sâu và bền vững hơn. Một số quy trình canh tác tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, canh tác theo phương thức nông nghiệp sinh thái đã được triển khai thử nghiệm...
Doanh nghiệp và nông dân đã bắt đầu tham gia chuỗi, đã quan tâm đến tín hiệu thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đã hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung.
Tổ chức Jica Nhật Bản cũng đã hỗ trợ Nghệ An trong việc tăng cường mối liên kết giữa các thành phần tham gia chuỗi giá trị: Nhà sản xuất (nông dân) - nhà phân phối (thu mua) - nhà chế biến, bán lẻ và người tiêu dùng. Đây là hình thức liên kết chặt chẽ, có sự chia sẻ lợi ích và giảm rủi ro giữa doanh nghiệp và người nông dân. Việc liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng tỉ lệ cơ giới hóa, tăng năng suất lao động, ổn định được đầu ra sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Tuy nhiên, sản xuất theo chuỗi ở Nghệ An mới ở bước khởi đầu. Vì nhiều nguyên nhân, mối liên kết giữa 4 nhà vẫn còn nhiều nhiệm vụ cần tập trung giải quyết. Nhận thức của nông dân trong liên kết hình thành các chuỗi giá trị chưa cao, doanh nghiệp chưa chú trọng vào khâu đầu tư vùng nguyên liệu để thực hiện hợp đồng bền vững. Quy mô sản xuất của các hộ nhỏ lẻ, manh mún, gây khó khăn cho việc đưa cơ giới vào sản xuất. Vấn đề vốn cũng là trở ngại để mở rộng quy mô sản xuất chuỗi theo hướng an toàn do sản xuất theo chuỗi chi phí đầu vào lớn, trong khi lợi nhuận thấp nên chưa khuyến khích được người dân, hợp tác xã tham gia.
Cần hướng đi phù hợp
Để thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao và gia tăng chuỗi liên kết, các ngành, nhất là các địa phương cần tiếp tục ý thức rõ hơn nữa việc triển khai và áp dụng các chính sách nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Điểm cơ bản và cốt lõi của các mô hình sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp chính là xây dựng các mối liên kết giữa nông dân với nông dân để thực hiện hành động tập thể, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để xây dựng kênh phân phối mới của các tác nhân trong chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu thị trường hiệu quả nhất dựa trên nguyên tắc các bên tham gia bình đẳng, cùng có lợi. Muốn chuỗi liên kết nông sản phát triển ổn định, việc hình thành vùng cung cấp nguyên liệu ổn định, nguyên liệu có chất lượng và thiết bị chế biến hiện đại là rất quan trọng. Vùng quy hoạch nguyên liệu cũng là vùng thành lập HTX, tập đoàn, trang trại sản xuất tập trung một loại nguyên liệu, theo quy trình đạt chất lượng VietGAP hoặc GlobalGAP.
Người nông dân cũng cần chủ động tăng cường năng lực hoạt động kỹ thuật canh tác, nâng cao nhận thức tuân thủ giao dịch kinh doanh cho nông dân. Từ đó, tập trung đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, quản lý trong nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt chú trọng việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, các tổ hợp tác, nhân rộng các mô hình liên kết hiệu quả.
Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nhất là đối với các thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn đã qua chứng nhận chất lượng để người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết và chủ động tìm kiếm tiêu thụ.
PV tổng hợp