Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là chiến thắng lớn nhất trong 9 năm kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta. Làm nên chiến thắng vĩ đại đó, có sự hy sinh, ủng hộ, đóng góp to lớn về sức người, sức của của nhân dân cả nước, trong đó có nhân dân tỉnh Nghệ An. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Nghệ An đã không quản đường xá xa xôi, ngày đêm huy động nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch
Luôn đảm bảo vai trò hậu phương vững chắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Nghệ An nằm trong vùng tự do Thanh-Nghệ-Tĩnh. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Liên khu ủy IV, Đảng bộ tỉnh Nghệ An luôn đi đầu trong đấu tranh chống sự phá hoại của kẻ thù và xây dựng hậu phương vững mạnh. Những năm đầu kháng chiến (1945-1946), mặc dù còn rất nhiều khó khăn, Đảng bộ lãnh chỉ đạo nhân dân khẩn trương bắt tay vào bảo vệ, xây dựng chế độ mới.
Hưởng ứng chủ trương của Trung ương Đảng về việc phát động phong trào thi đua ái quốc và Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (6/1948) nhằm thi đua: "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm", ngày 18/6/1948, Hội nghị liên tịch giữa các cơ quan Đảng, mặt trận, chính quyền, đoàn thể Nghệ An được tổ chức. Phong trào được triển khai sôi nổi, sâu rộng và đạt kết quả tốt. Điển hình là phong trào thi đua luyện quân lập công; phong trào đỡ đầu dân quân, giúp đỡ bộ đội; phong trào thi đua sản xuất hàng tiêu dùng và phục vụ quốc phòng; phong trào tăng gia sản xuất; phong trào diệt giặc dốt, phong trào thi đua xây dựng đời sống mới...
Tiếp đó, Đại hội lần thứ VI Đảng bộ Nghệ An (tháng 4/1949) quyết nghị tích cực xây dựng và bảo vệ hậu phương, bồi dưỡng sức dân và cung cấp sức người, sức của cho các chiến trường. Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân củng cố hệ thống chính trị, xây dựng vùng miền núi, biên giới, vùng ven biển, vùng giáo dân, xây dựng chính sách đối với nhân sĩ, trí thức, chính sách giảm tô, xây dựng lực lượng vũ trang, bảo vệ hậu phương, chống các cuộc đánh phá cũng như tập kích của địch vào các vùng biên giới và ven biển, tích cực chi viện chiến trường Bình - Trị - Thiên. Với tinh thần hướng về Bình - Trị - Thiên, chỉ trong 3 ngày từ ngày 12 đến 15/10/1948, Đảng bộ Nghệ An đã huy động đóng góp được 1.503.317 đồng[1].
Tháng 5/1950, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII nêu bật nhiệm vụ chính trị trước mắt của toàn Đảng bộ là: “Ra sức xây dựng lực lượng, bảo vệ hậu phương, tổng động viên sức người, sức của, cung ứng cho tiền tuyến”. Năm 1951, tình hình có nhiều thuận lợi cho cách mạng. Hệ thống xã hội chủ nghĩa lớn mạnh nhanh chóng. Trong nước, sau chiến thắng Biên giới cuối năm 1950, cục diện chiến trường Đông Dương thay đổi mau lẹ, có lợi cho ta. Pháp càng lâm vào thế bị động, lúng túng. Hậu phương và lực lượng cách mạng cách mạng ngày càng lớn mạnh. Lúc này, ở hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh địch không còn đủ sức thực hiện việc chiếm đóng. Tháng 8/1951, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII nêu rõ mục tiêu: “Xây dựng Nghệ An thực sự thành hậu phương vững chắc, thành kho dự trữ dồi dào về người và của, làm tròn nhiệm vụ hậu phương đối với tiền tuyến”[2].
Tháng 4/1953, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với Quân đội giải phóng Lào mở chiến dịch Thượng Lào, Nghệ An - Thanh Hóa được Trung ương giao trọng trách phục vụ chiến dịch này. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ Nghệ An đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào - một chiến thắng có ý nghĩa to lớn, mở ra cục diện mới trên chiến trường Đông Dương. Trong chiến dịch Thượng Lào, từ tháng 2/1953, tỉnh Nghệ An đã huy động 72.940 dân công đi tu sửa đường số 7 sang Lào. Đoạn đường từ Đô Lương lên Mường Xén dài 170km, dân công đã làm được hơn 100 cầu phao, cầu tạm, đào đắp hàng ngàn mét khối đất đá, sửa chữa nền đường, gia cố thêm độ an toàn của các đèo Cao, đèo Chó... Ngoài ra, tỉnh còn huy động 1.486 xe đạp thồ và 1.066 thuyền, ca nô liên tục chở hàng hóa ngược lên phía Tây sang Lào.
Đến ngày 9/3/1953, dân công Nghệ An đã chuyển được 740 tấn gạo đến các địa điểm quy định thuộc vùng biên giới, chưa kể số gạo cấp cho dân công và cho thuyền tư nhân sử dụng trên đường vận tải đi và về.
Ngày 20/3/1953, Nghệ An huy động tiếp một đợt dân công gánh bộ gồm 12.700 người và tiểu đoàn 195, các đại đội 121, 123 bộ đội địa phương tỉnh lên đường sang Xiêng Khoảng phục vụ và trực tiếp tham gia chiến đấu trên đất Lào[3]. Trong năm 1953, toàn tỉnh huy động trên 5 triệu ngày công để làm đường giao thông. Việc hoàn thành tuyến đường chiến lược 15 A đã nối liền mạch máu giao thông thủy - bộ giữa Liên khu IV với Liên khu III, Liên khu V và biên giới Việt - Lào, tạo điều kiện cho vùng hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh phát huy cao độ nhiệm vụ cung ứng cho tiền tuyến.
Dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)
Lãnh đạo huy động sức người, sức của cho Chiến dịch Điện Biên Phủ
Tháng 5/1953, Tướng H. Navarre, Tham mưu trưởng lục quân của khối Bắc Đại Tây Dương được cử làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Navarre vạch một kế hoạch quân sự toàn diện trong 18 tháng, hòng chuyển bại thành thắng. Trọng tâm của kế hoạch này là tổ chức khối chủ lực cơ động tập trung tiêu diệt chủ lực của Việt Minh.
Tháng 9/1953, Bộ Chính trị thông qua Kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954. Phương châm chiến lược là tập trung lực lượng tiến công vào những nơi địch yếu, đẩy mạnh chiến tranh du kích, bảo vệ vùng tự do. Hướng tiến công chính là Tây Bắc và Thượng Lào.
Trong chiến cuộc này, Nghệ An được giao đảm nhiệm làm đường từ Nghệ An thông ra Thanh Hóa - Hòa Bình và đi lên Tây Bắc. Để thực hiện nhiệm vụ, Nghệ An phải huy động một lực lượng dân công lớn. Ngoài ra, tỉnh còn phải đảm nhận công tác hậu cần cho những đơn vị chủ lực từ chiến trường Bình - Trị - Thiên, Lào về tập kết để củng cố, chuẩn bị tham gia chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954.
Công tác chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ được xúc tiến rất khẩn trương và dồn dập. Trước lúc, các đơn vị bộ đôi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ra mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư động viên cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ (12/1953) phải: “Chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh”[4].
Ngày 5/01/1954, Sở Chỉ huy tiền phương lên đường ra mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Tư lệnh Võ Nguyên Giáp:“Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”[5].
Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Nghệ An được giao nhiệm vụ mở đường vận chuyển chi viện cho tiền tuyến, cho mặt trận Điện Biên Phủ. Với tinh thần “Tất cả các cuộc tấn công chiến lược Đông Xuân 1953- 1954”, “Tất cả cho Điện Biên Phủ”, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã ra sức tăng gia sản xuất, tiết kiệm, huy động mọi nguồn lực đáp ứng nhu cầu của tiền tuyến. Thực hiện nhiệm vụ mở đường 15 A ra Thanh Hóa, Hòa Bình và đi lên phía Bắc, Đảng bộ đã huy động “6.600 dân công, làm mới và sửa chữa 320 km đường, 3 cầu lớn, 32 cầu nhỏ, 53 cống và rải đá 150 km đường. Tổng số ngày công là 1.574.152. Ngoài ra còn có 139 dân công thường trực bảo vệ Quốc lộ 1, số 7 và các tuyến đường liên huyện”[6].
Thanh niên xung phong nghệ An phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)
Xác định tầm quan trọng của cuộc quyết chiến chiến lược này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An tập trung cao nhất mọi nguồn lực phục vụ cho chiến dịch. Đúng mùng một Tết Nguyên đán 1954, 32.000 dân công, trong đó có 2.000 dân công xe đạp thồ cùng hàng ngàn tân binh, thanh niên xung phong, công nhân kỹ thuật quân giới đã nô nức lên đường ra tiền tuyến[7].
Với phương châm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!”, mọi ngành, mọi giới, người người, lớp lớp đều dồn sức cho Điện Biên Phủ. Nhiều thiếu niên mới 15, 16 tuổi cũng xung phong gia nhập bộ đội, thanh niên xung phong. Nhiều cụ già cũng hăng hái đi dân công phục vụ chiến dịch. Nhân dân trong tỉnh đã ra sức tăng gia sản xuất, tiết kiệm ăn độn nhiều ngô khoai dành phần lúa gạo tốt để chi viện cho tiền tuyến.
Chỉ trong một thời gian rất ngắn, nông dân Nghệ An đã nhập kho 1.496 tấn thóc phơi khô, quạt sạch. Cùng với đó, trong suốt chiến dịch, dân công hỏa tuyến Nghệ An đã vận chuyển 5.000 tấn lương thực ra Suối Rút (Hòa Bình) để tiếp tục đưa ra chiến trường. Các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An cùng với các huyện miền xuôi đóng góp hàng nghìn con trâu, bò, ngựa làm sức kéo; hàng tấn lợn, gà, cá, rau xanh làm thực phẩm phục vụ cho các lực lượng tham gia chiến dịch. Các đơn vị bộ đội chủ lực, có con em của tỉnh Nghệ An tham gia rất đông đảo.
Từ tháng 2/1954, thực hiện lệnh Tổng động viên phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, có 5.438 thanh niên hăng hái tham gia nhập ngũ, vượt chỉ tiêu quy định. Riêng bộ đội địa phương cũng đã huy động được 1.924 thanh niên. Tất cả nhân lực này đã bổ sung kịp thời cho các đơn vị chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường của chiến dịch Điện Biên Phủ. Công nhân trong các xí nghiệp tiểu thủ công nghiệp, dốc sức khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn về nguyên liệu, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất, đáp ứng nhu cầu rất cao của quốc phòng trong giai đoạn nước rút của cuộc kháng chiến và đảm bảo sản xuất, đời sống của nhân dân. Các địa phương có nghề thêu, dệt, đan lát như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc… đã sản xuất ủng hộ cho tiền tuyến hàng ngàn mét vải, quần áo, mũ, chăn. Nhân dân Nghệ An đã giành ủng hộ 300 kg thuốc lào, thêu 2.950 khăn tay gửi tặng các chiến sỹ, hàng ngàn lá thư từ hậu phương gửi ra chiến trường động viên, cổ vũ tinh thần bộ đội thi đua giết giặc lập công.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử đã xuất hiện biết bao tấm gương dũng cảm, mưu trí “gan không núng, chí không mòn”; Tỉnh Nghệ An vinh dự được Nhà nước phong tặng 3 anh hùng lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là: Anh hùng, liệt sĩ Trần Can, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành; Anh hùng Phan Tư, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành; Anh hùng Đặng Đình Hồ, xã Thanh Bình, huyện Thanh Chương…
Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong gần 2 tháng (13/3 đến 07/5/1954) nhưng công cuộc chuẩn bị cho thắng lợi của chiến dịch đã diễn ra trong rất nhiều ngày, tháng đầy thử thách với biết bao đóng góp to lớn của nhiều tầng lớp nhân dân trong cả nước, trong đó có nhân dân tỉnh Nghệ An. Khen ngợi thành tích của tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Do sự đoàn kết và cố gắng ấy mà tỉnh ta đã góp một phần xứng đáng, vẻ vang trong cuộc kháng chiến thắng lợi. Cả thế giới đều nghe tiếng kính phục nhân dân ta”[8].
Dương Minh
[1] TS Ngô Đăng Tri: Vùng tự do Thanh – Nghệ - Tĩnh trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr 165.
[2] Đảng bộ tỉnh Nghệ An: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nghệ An (1930-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 200.
[3] Nghệ An - lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An xuất bản, 1997, tr.150.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr 198.
[5] Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nxb. Thông Tấn, Hà Nội, 2007, tr.163.
[6] Đảng bộ tỉnh Nghệ An: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nghệ An (1930-1954), Sđd, tr 265.
[7] Đảng bộ tỉnh Nghệ An: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nghệ An (1930-1954), Sđd, tr 266.
[8] Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Nghệ An xuất bản, năm 1977, tr 45-46.