Trong đời sống nghệ thuật tạo hình dân gian Cơ Tu, tác phẩm điêu khắc là nơi tập trung nhiều mô típ trang trí giàu ý nghĩa về giá trị nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh, làm nên một hình ảnh rất biểu trưng của làng Cơ Tu trên cả góc độ mỹ thuật lẫn yếu tố tâm linh. Tìm hiểu nghệ thuật tạo hình dân gian Cơ Tu sẽ góp phần tìm hiểu văn hoá tộc người Cơ Tu, một trong những tộc người quan trọng của nhóm Môn - Khmer ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.
Hình ảnh mặt nạ được chạm khắc sinh động trên ngôi nhà Gươl của người Cơ Tu ở Tây Giang. Ảnh: baodantoc
Trong bức tranh văn hóa tộc người vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, dân tộc Cơ Tu có vai trò quan trọng về mặt lịch sử, đặc trưng ngôn ngữ, phong tục tập quán, hoạt động giao thương, đời sống lễ hội, nghệ thuật tạo hình,… góp phần làm nên sự đa dạng và bản sắc của nhóm người nói ngôn ngữ Môn - Khmer ở Việt Nam[1].
Nghệ thuật tạo hình Cơ Tu nổi bật bởi các loại hình điêu khắc và trang trí tạo nên những tác phẩm hấp dẫn chúng ta đầu tiên khi tiếp xúc với không gian văn hóa làng. Từ đầu thế kỷ XX, vẻ đẹp của nghệ thuật tạo hình Cơ Tu đã khiến Le Pichon kinh ngạc. “Nghệ thuật Cơ Tu ấy chỉ có thể ra đời từ một nền văn hóa phát triển tương đối cao mà những gì còn lại sẽ biến mất nếu chúng ta không can thiệp vào để cứu giữ chúng”[2]. Người Cơ Tu nổi tiếng với những bức vẽ, chạm khắc ở Gươl, những bức tượng dựng ở đầu làng, xung quanh Têng Ping (nhà mồ), các họa tiết hoa văn trên khố, váy, áo, trên những tấm vải dệt, và trên cột Xơnur (cột đâm trâu). Chính giá trị riêng có này đã tạo nên tính biểu tượng mạnh mẽ của cộng đồng, mang nhiều ý nghĩa phản ánh về thế giới quan, nhân sinh quan tộc người. Giải mã tính biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình truyền thống của người Cơ Tu, chúng tôi nhận thấy nổi bật lên những nét nghĩa sau:
Thứ nhất, tính đăng đối, đối xứng trong nghệ thuật trang trí phản ánh tư duy tạo hình thời kỳ sơ khai. Trong ý nghĩa ngôn ngữ tạo hình, đối xứng là một biểu tượng của sự thống nhất bằng cách tổng hợp cái đối lập, biểu thị sự rút gọn từ cái có “nhiều” về cái có “một”. Nguyên tắc cặp đôi, đối xứng phản ánh tư duy lưỡng hợp trong quan niệm và nhận thức về thế giới của người Cơ Tu. Trong đời sống, rất dễ nhận biết điều này: sự phân định về chết tốt-chết xấu; sự phân chia bếp dành cho nam và nữ; sự phân định lễ vật đám cưới đối với nhà trai là loài bốn chân (lợn, chó, trâu, bò, thú rừng,…), nhà gái là loài hai chân (gà, cá, chim,…). Trong đó, kết cấu “cặp đôi” theo nguyên lý âm dương nhằm hướng đến sự hài hòa, cân bằng bền vững của các yếu tố trong mối quan hệ “tương khắc tương sinh”. Trong nhà Gươl, ngoài Ping, trên Xơnur, những mô típ chạm khắc như hình Mơnui/m’nuynh (con người), Tơrí (con trâu), Achóo (Con chó), Tàri (Con kỳ đà), Achim (Con chim), Axiu (Con cá), hoa văn hình học,... luôn nằm đối xứng nhau theo cặp đôi trước-sau, trái-phải, trên-dưới. Nghệ thuật tạo hình phản ánh đặc điểm “lưỡng phân” hay tính chất “đối ngẫu” qua hệ thống mô típ hoa văn bố trí, sắp xếp cặp đôi đối xứng theo không gian (trái-phải, trên-dưới), giới tính (đực-cái, chày-cối), âm dương (rắn-chim, vuông-tròn),… Đây là một nguyên tắc được người Cơ Tu tuân thủ.
Phù điêu Uống rượu cần. Ảnh: Internet
Thứ hai, trong quan niệm của người Cơ Tu, trục Đông - Tây được xem là trục sinh tử, trục Nam - Bắc là trục vĩnh hằng. Vì vậy cột Xơnur dựng ở trung tâm ngôi làng, tạo nên định hướng trục không gian: Phía Đông là hướng cổng làng mở ra khu sản xuất, nơi dân làng đi tìm đám rẫy tốt; nhà mồ cũng hướng mặt về phía Đông, cũng là hướng đặt quan tài, người chết khi chôn đầu nằm về hướng Đông, chân hướng Tây; Phía Tây là nơi lập nghĩa địa, là nơi có khu rừng ma, là nơi gắn với “sự tích cô con dâu hiền lành, chết hoá thành một con mang”. Đây là một quan niệm khá gần gũi giữa các tộc người trên dãy Trường Sơn, khi hầu hết khu nghĩa đều nằm về phía Tây, vì như mặt trời đi từ đông sang tây, họ tránh “cái chết đi ngang qua làng”. Quan niệm này cũng được phản ảnh trong xây dựng nhà Gươl và điêu khắc nhà mồ Ping theo trục đông tây. Gươl - ngôi nhà chung của cộng đồng sẽ được dựng quay mặt về hướng đông, hình tượng chim Tring hay gà trống cách điệu trên đòn đông quay đầu về hai hướng Nam - Bắc. Đáng lưu ý, đòn đông Gươl được tạo bởi “Pờpung quanh” (đực/ông) úp phía trên “Pờpung căn” (cái/bà), như một sự kết hợp mang ý nghĩa phồn thực tạo nên sự sinh tồn bền vững. Trên Ping, phía đông gắn với mặt trời, sự sống, người đàn bà, chim/gà; phía tây gắn với mặt trăng, cái chết, người đàn ông, trâu[3].
Thứ ba, nghệ thuật tạo hình phản ánh biệt tài sáng tạo của các nghệ nhân trong quá trình tạo tác, sáng tạo tác phẩm nghệ thuật. Những mô típ hay chủ đề trang trí chạm khắc được tạo nên thường không dựa theo phác thảo có sẵn, mà chỉ là những dự định trong đầu. Và mỗi sản phẩm tạo ra do đó luôn sống động, không rập khuôn, mà định hình theo khả năng và nguồn cảm hứng của nghệ nhân dân gian Cơ Tu. Đó đồng thời là sự phản ánh những cảm nhận của họ về thế giới xung quanh, hình thành nên cảm quan về cái đẹp gửi vào trong mỗi sản phẩm tạo hình, góp phần làm nên các giá trị đặc trưng xét trên khía cạnh ngôn ngữ biểu hiện. Đó là cơ sở hình thành nên các quan niệm về giá trị và ý nghĩa của nghệ thuật tạo hình Cơ Tu.
Thứ tư, hình tượng trâu được khắc họa đậm nét trong nghệ thuật tạo hình, là chủ đề xuất hiện phổ biến và đa dạng nhất, có lúc tả thực, có lúc cách điệu, lúc là bố cục độc lập lúc là sự phối hợp với nhiều mô típ khác. Quan niệm thẩm mỹ này ở người Cơ Tu khác với một số tộc người ở Trường Sơn - Tây Nguyên, họ cũng chọn trâu là con vật hiến sinh nhưng lại rất hiếm hoi thể hiện trong lĩnh vực nghệ thuật điêu khắc ở các kiến trúc quan trọng như nhà Rông, nhà mồ.
Trong quan niệm thẩm mỹ của người Cơ Tu, nghệ thuật tạo hình là cả một hệ thống quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan, phản ánh bản sắc văn hóa tộc người; luôn mang những thông điệp nhất định, có tính biểu tượng cao của một loại “ngôn ngữ hình tượng” giúp con người chuyển tải những suy nghĩ, tư duy của mình. Với họ, tạo hình như một loại ngôn ngữ đối thoại giữa con người với nhau, giữa con người với thế giới chung quanh, giữa con người và thần linh. Sau mỗi lớp áo nghệ thuật, các tác phẩm tạo hình dân gian luôn hàm chứa những lời khấn nguyện, những mong đợi và mơ ước về cuộc sống bình yên, nhiều may mắn; phản ánh ước vọng về một vụ mùa bội thu, sự no ấm; gửi gắm những kỳ vọng về mối quan hệ tốt đẹp và sự giàu có của dòng họ; khẳng định sự ổn định và hùng mạnh của cộng đồng…
Hiện nay, nghệ thuật tạo hình của người Cơ tu vẫn được duy trì, lan tỏa, cách điệu trong cả đời sống thế tục. Chúng ta dễ dàng nhận thấy hình tượng Xơnur cao sừng sững ở trung tâm huyện Tây Giang hay ở ngã ba cửa ngõ lên huyện Đông Giang; hình tượng cách điệu trang trí trên các đường phố của trung tâm huyện Tây Giang, Đông Giang; hình ảnh tả thực trong tấm thiệp chúc mừng năm mới của UBND huyện Đông Giang,… như là một biểu tượng đặc trưng của văn hóa Cơ Tu vẫn còn được tiếp sức, trao truyền, gửi gắm.
[1] Địa bàn cư trú dân tộc Cơ Tu là vùng đất thuộc ba huyện vùng cao tỉnh Quảng Nam (huyện Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang), và phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế (huyện Nam Đông). Đây là vùng núi non trùng điệp, phần lớn đổ theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Phía Tây Bắc có ngọn núi A - Taouat cao nhất vùng (2.500m) kéo dài từ Lào sang tới Thừa Thiên Huế; phía Nam có núi Ngọc Linh. Ngoài ra, có một số núi cao ở huyện Nam Giang như La Ê (1.659m), núi La Dêê (1.521m); ở huyện Tây Giang vùng giáp biên giới Việt Lào có núi Tr’Hy (2.300m), núi Cacan Aron (1314m), núi Tà Xiêu cao nhất vùng (2.053m); vùng Đông Giang là nơi có các ngọn núi thấp như núi núi Hòn Châng (1513m), núi Kà Dăng.
[2] Le Pichon (2011), Những kẻ săn máu, Tạ Đức dịch, Nxb. Thế giới, Hà Nội., tr 40
[3] Tạ Đức (2002), Tìm hiểu văn hóa Katu, Nxb. Thuận Hóa, Huế.tr 92
Trường Sơn