Theo Bộ Nội vụ, trong 2,5 năm (từ năm 2020 đến hết tháng 6.2022), cả nước có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) thôi việc, bỏ việc, chiếm 2% so với tổng số biên chế được giao. Ngành giáo dục có hơn 16.400 người, ngành y tế 12.192 người. Tỉnh Hải Dương có 193 CCVC y tế nghỉ việc.
Trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật Giá vào chiều 19.9 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết bộ đang rất khó khăn về nhân sự, thiếu người làm. Một số anh chị em xin nghỉ việc, kể cả vụ phó, trưởng phòng.
Trước tình hình này, Bộ Nội vụ đã có công văn gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tìm nguyên nhân, tham mưu đề xuất giải pháp.
Về nguyên nhân CCVC thôi việc, bỏ việc thì có nhiều, nhưng tựu trung lại có một số nguyên nhân nổi bật là: áp lực công việc, môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến, lương không đủ sống; với ngành y tế là khả năng lây bệnh, nhiễm bệnh nên chuyển sang khu vực tư nhân để có lương cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn, được đãi ngộ xứng đáng. Trong khi đó việc thăng tiến ở cơ quan nhà nước có nhiều điều bất cập, tiêu cực xảy ra ở nhiều nơi.
Dư luận cho rằng để hạn chế và tiến tới không còn tình trạng CCVC thôi việc, bỏ việc chỉ cần tăng lương, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, khắc phục những thiếu sót trong việc sử dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ… Những ý kiến nêu trên cơ bản là đúng. Tuy nhiên, cũng cần được bàn bạc làm rõ thêm những nguyên nhân dẫn đến thôi việc, bỏ việc của CCVC trong thời gian qua.
Việc đòi hỏi nâng lương là chính đáng. Nhưng nâng lương dựa trên cơ sở nào trong tổng thể các cân đối vĩ mô: tổng thu, tổng thu-dự phòng, tích lũy. Khác với kinh tế tư nhân chỉ cân đối trong phạm vi hẹp, rất hẹp, nên việc trả lương cao là chuyện bình thường. Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, yếu tố năng suất lao động có vị trí vô cùng quan trọng, vì nó quyết định sự ổn định, tồn tại, phát triển của xã hội. Tiến độ tăng tiền lương không thể tăng vượt năng suất lao động, nhất là năng suất lao động xã hội.
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào tháng 4.2022 chỉ có khoảng 55% số người lao động có tiền lương và thu nhập đủ sống; khoảng 25% phải chi tiêu tằn tiện, 13% không đủ mức sống tối thiểu. Điều này cho thấy CCVC chưa phải là khó khăn nhiều lắm, mà khó khăn là khó khăn chung trong điều kiện nền kinh tế của nước ta như hiện nay.
Dư luận kiến nghị Nhà nước tăng lương cho CCVC, người lao động là hoàn toàn xứng đáng. Song cũng cần thấy rằng Đảng, Nhà nước đã và đang quan tâm đến vấn đề này, thể hiện ở việc thường xuyên điều chỉnh lương ở các khu vực, kể cả những đối tượng đã nghỉ hưu, hưởng bảo hiểm xã hội. Từ năm 2004-2020 đã có 12 lần tăng lương.
Sau hơn 2 năm phòng chống đại dịch Covid-19, việc nâng lương tạm dừng lại. Dự kiến, kỳ họp Quốc hội tới sẽ trình và quyết định việc nâng lương năm 2022. Song, dù có nâng lương đi chăng nữa thì cũng chỉ góp phần cải thiện đời sống của CCVC, người lao động nói chung trong khi giá cả thị trường luôn biến động. Cho nên cần một chính sách dài hơn là cải cách chế độ tiền lương một cách căn cơ, bài bản dựa trên sự phát triển kinh tế- xã hội, tiến bộ khoa học-công nghệ, cải cách hành chính, tinh giản bộ máy thực hiện theo lộ trình mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra: Đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Cho nên việc xác định thôi việc, bỏ việc của CCVC cần được nhìn nhận một cách thấu đáo, đánh giá một cách khoa học toàn diện, thực tiễn hơn trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước, của nhân dân còn có nhiều khó khăn để có thái độ ứng xử cho phù hợp.