Câu hỏi: Ngoại giao kinh tế có những đóng góp gì cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong năm qua và nhiệm vụ năm 2022 như thế nào?
Trả lời
Những kết quả đạt được của ngoại giao kinh tế năm 2021
Năm 2021, Ngoại giao kinh tế là trụ cột thu hút nguồn lực bên ngoài, góp phần đưa đất nước vượt qua thời khắc khó khăn nhất do dịch bệnh gây ra, thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục phát triển.
Tại Hội nghị Triển khai công tác ngoại giao năm 2022, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Trưởng ban chỉ đạo ngoại giao kinh tế, đánh giá: ngoại giao kinh tế năm 2021 đã bắt kịp yêu cầu, tình hình quốc tế, đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp trực tiếp vào phòng chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Cụ thể:
Một là, ngoại giao vaccine được đẩy nhanh thần tốc, tạo thành công ngoạn mục, góp phần đưa Việt Nam từ nước có tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp nhất thế giới trở thành 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới, góp phần đưa đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn, chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh covid-19, phục hồi nền kinh tế bị tổn thất nghiêm trọng do đại dịch covid-19 gây ra.
Hai là, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hết sức chú trọng công tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm của các nước, tham mưu cho Chính phủ về tiêm chủng vaccine, thích ứng an toàn với dịch bệnh, khôi phục lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy, khôi phục và phục hồi kinh tế-xã hội.
Ba là, các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với các ban, ngành, các địa phương trong nước tổ chức các hội nghị xúc tiến trực tiếp hoặc trực tuyến nhằm đẩy mạnh giao thương với các thị trường lớn, thị trường truyền thống như: Mỹ, các nước châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ,… và tìm kiếm các đối tác, các thị trường tiềm năng như: Trung Đông, châu Phi,…
Bốn là, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ đẩy mạnh tiến trình phê duyệt Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bảo đảm Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tích cực hỗ trợ các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp tận dụng lợi thế của các FTA; tham gia tích cực và có trách nhiệm tại các cơ chế, diễn đàn hợp tác kinh tế đa phương, các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng,…
Định hướng ngoại giao kinh tế năm 2022
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: ưu tiên hàng đầu của ngoại giao kinh tế năm 2022 là phục vụ mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với phương châm “quyết liệt, đổi mới, chủ động thích ứng, hiệu quả, sáng tạo” trong việc thực hiện ba nhiệm vụ chính là:
Một là, đóng góp mạnh mẽ vào phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phục vụ chủ trương của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh covid-19.
Hai là, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, kịp thời nắm bắt những xu hướng mới, thúc đẩy tăng trưởng xanh, sạch, chuyển đổi số,…, củng cố nền tảng hợp tác kinh tế phục vụ cho phục hồi, phát triển đất nước trong dài hạn.
Ba là, tiếp tục triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại của địa phương, doanh nghiệp, chú trọng đôn đốc triển khai thực chất và hiệu quả các cam kết và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với thị trường nước ngoài, tận dụng các cơ hội mà các xu thế mới mang lại.
Để thực hiện được những nhiệm vụ trên, năm 2022, công tác ngoại giao kinh tế của Việt Nam cần tập trung vào các nội dung:
Một là, tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc, thực chất hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư giữa nước ta với các đối tác chủ chốt, đối tác tiềm năng; tiếp tục tranh thủ xu hướng phục hồi của các nước và các cơ hội hợp tác trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Hai là, đẩy mạnh các nội hàm ngoại giao mới, gắn với các ngành, lĩnh vực ưu tiên như: ngoại giao công nghệ, chống biến đổi khí hậu, ngoại giao nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoại giao y tế,…
Ba là, quán triệt tư tưởng ngoại giao phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm, chú trọng các biện pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, xuất khẩu lao động, tận dụng lợi ích của các FTA thế hệ mới và khuôn khổ, diễn đàn hợp tác kinh tế mà Việt Nam là thành viên.
Bốn là, nâng cao hiệu quả nghiên cứu, tham mưu, phục vụ điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ và các hoạt động kinh tế-xã hội của các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; tranh thủ tận dụng các mạng lưới đối tác, tư vấn quốc tế, đối thoại chính sách kinh tế cho Việt Nam.
Năm là, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển trong tình hình mới; nâng cao năng lực triển khai công tác ngoại giao kinh tế cho ngành ngoại giao, địa phương, doanh nghiệp.
Sáu là, tích cực nghiên cứu, theo dõi, dự báo về kinh tế thế giới, khu vực để tham mưu, đề xuất Đảng, Nhà nước trong xây dựng chiến lược, chính sách điều hành kinh tế-xã hội như lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã căn dặn khi trao quyết định phong hàm đại sứ cho 26 lãnh đạo Bộ Ngoại giao chiều ngày 14/12/2021: “nghiên cứu các đối tác cho sâu, hiểu các đối tác cho kỹ, cho đúng về mục tiêu, ý đồ, dự báo hành xử của các nước để ta kịp thời có phương án phù hợp”.
Phương Dung (tổng hợp)
Tài liệu tham khảo
1. “Ngoại giao kinh tế - Thúc đẩy nền kinh tế phát triển”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 05/02/2022.
2. Diệu An: “Nâng tầm ngoại giao kinh tế”, Tuổi trẻ online, ngày 15/12/2021.