Ngoại giao kinh tế là việc thực hiện các biện pháp kinh tế trong hoạt động ngoại giao để đem lại lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị, an ninh. Theo nghĩa hẹp, ngoại giao kinh tế là hoạt động ngoại giao được tiến hành bằng các biện pháp có tính kinh tế nhằm đạt được lợi ích kinh tế. Nói cách khác, ngoại giao kinh tế liên quan đến các vấn đề chính sách kinh tế, sử dụng các nguồn lực kinh tế đểtheo đuổi một mục tiêu chính sách đối ngoại cụ thể. Theo Nghị định 08/2003/NĐ-CP, ngày 10/2/2003 của Chính phủ “về hoạt động của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế”, ngoại giao kinh tế là hoạt động nhằm thúc đẩy thương mại, hợp tác về đầu tư, khoa học công nghệ, du lịch, lao động, dịch vụ, thu ngoại tệ; đồng thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân Việt Nam trong hoạt động kinh tế đối ngoại.
Ngoại giao kinh tế góp phần quan trọng trong hoạch định đường lối, xây dựng và thực thi các chính sách phát triển kinh tế đất nước; góp phần mở rộng các quan hệ song phương; thúc đẩy các quốc gia tham gia các thể chế đa phương trong khu vực và toàn cầu; mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, góp phần đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.
Căn cứ Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, Nghị quyết số 21/NQ-CP, ngày 20/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022 - 2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 32 (tháng 12/2013), có thể xác định 6 nhiệm vụ chính cho ngành Ngoại giao và các cơ quan liên quan trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế, thời gian tới, như sau:
Một là, nhận thức đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế. Trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác ngoại giao kinh tế cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc, hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu trong triển khai hoạt động ngoại giao kinh tế. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, triển khai hiệu quả Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư và Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ; đổi mới về tư duy, tầm nhìn chiến lược, phương pháp luận và cách tiếp cận để thúc đẩy vai trò trung tâm của kinh tế.
Hai là, tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ và tạo thế đan xen lợi ích kinh tế với các đối tác. Tranh thủ tối đa các quan hệ chính trị đối ngoại để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, hài hoà với lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đối tác. Nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và phát huy vai trò, thúc đẩy sáng kiến của Việt Nam tại các cơ chế, diễn đàn kinh tế quốc tế và những vấn đề quốc tế có tầm quan trọng chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể của ta. Chủ động đóng góp vào tiến trình cải tổ, nâng cao hiệu quả các tổ chức quản trị kinh tế toàn cầu; xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế quốc tế. Hoàn thiện cơ chế, thúc đẩy hợp tác, cụ thể hóa các cam kết về kinh tế và rà soát quá trình triển khai các cam kết đã ký. Triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm, bám sát xu thế chung của thế giới kết hợp với tập trung tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức. Thúc đẩy, các thỏa thuận với các đối tác, nhất là trong các lĩnh vực mới như: Bán dẫn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh...
Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Thực thi và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, chủ động xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình thực hiện các cam kết, giảm thiểu tối đa thiệt hại, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Tham gia có chọn lọc các liên kết kinh tế quốc tế; đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do phù hợp với ưu tiên và lợi ích của ta; tích cực vận động, thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Chủ động mở rộng, làm sâu sắc hơn hợp tác khoa học - công nghệ, thu hút nguồn lực bên ngoài cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ; tham gia hiệu quả vào mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu. Tiếp tục đa phương hoá, đa dạng hoá thị trường, đối tác, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác; chủ động, tích cực tham gia và củng cố vững chắc vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu trên cơ sở đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững. Đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Tập trung khai thác tiềm năng của các thị trường Trung Đông, Châu Phi, Nam Mỹ và thị trường Halal.
Bốn là, tăng cường phối hợp, liên kết với các ngành, địa phương theo tinh thần “lấy doanh nghiệp, địa phương làm trung tâm phục vụ”. Khuyến khích sự tham gia chủ động, tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và người dân vào hoạt động ngoại giao kinh tế. Tập trung hỗ trợ các ngành, địa phương và doanh nghiệp khai thác hiệu quả các thị trường quốc tế, tiếp cận các nguồn vốn gắn với công nghệ cao, tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị, sản xuất khu vực và toàn cầu. Hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp và thị trường trong nước phù hợp với các cam kết và luật pháp quốc tế. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hoá phương thức, phát huy vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại - đầu tư. Khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm là, nâng cao năng lực dự báo, tham mưu chiến lược về kinh tế quốc tế. Tích cực mở rộng mạng lưới, nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức nghiên cứu, tư vấn kinh tế quốc tế có uy tín để có nguồn thông tin chính xác, chất lượng phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược về kinh tế.
Sáu là, tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phát huy hơn nữa vai trò của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân tại các diễn đàn kinh tế đa phương. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế phối hợp liên ngành trong đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữa ngoại giao kinh tế với ngoại giao văn hoá, quốc phòng - an ninh; giữa song phương và đa phương; giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trong triển khai ngoại giao kinh tế. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Bố trí và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp.
Bảy là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động ngoại giao kinh tế. Phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, vai trò điều phối của Ban Chỉ đạo Ngoại giao kinh tế./.
Quang Minh