Tại xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, ông Vì Văn Sang, dân tộc Khơ Mú được biết đến là Người có uy tín tiêu biểu, nặng lòng với văn hóa dân tộc. Ông Sang chia sẻ, là người dân tộc Khơ Mú, ông nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc giữ gìn và bảo tồn nét văn hóa dân tộc mình. Trong thời gian qua, bản thân ông đã nỗ lực mày mò, tìm tòi sưu tầm và dựng lại một số bài múa dân gian (múa cá lượn); bài hát dân ca; hát tơm; khôi phục một số nhạc cụ và hướng dẫn thế hệ trẻ cách sử dụng, chiêng, Pitot, truyện tiếu lâm, truyện truyền thuyết (chuyện quả bầu); các câu ca dao, tục ngữ, vè... có ý nghĩa giáo dục con người về lối sống đối nhân sử thế... Ông đã khôi phục được một số lễ hội, như Lễ hội "Cầu mùa, cầu mưa", "rước mẹ lúa". Đây là những lễ hội vừa có tính tâm linh vừa có tính văn hóa, giúp bà con phấn khởi, hăng say lao động sản xuất.
Nhờ đó, năm 2011-2012, Lễ hội "cầu mùa, cầu mưa" được phục dựng thành công tại xã Nghĩa Sơn, thu hút sự quan tâm chú ý và được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân xã nhà. Vinh dự hơn, tháng giêng năm 2013, Lễ hội "cầu mùa, cầu mưa; trò chơi dân gian dân tộc Khơ Mú" được tỉnh Yên Bái chọn tham dự chương trình vui xuân Quý tỵ 2013 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, phục vụ du khách trong nước và quốc tế và được Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học tặng 2 Giấy khen. Đặc biệt, tháng 11 năm 2013, một lần nữa tiết mục "cầu mùa, cầu mưa" được tỉnh chọn dự thi tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XII, tại Hòa Bình, đạt giải A.
Với những đóng góp tích cực, có hiệu quả cho cộng đồng, xã hội, ông Vì Văn Sang đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành. Đặc biệt, vừa qua, ông Sang vinh dự khi là một trong số 13 Người có uy tín tiêu biểu trong tỉnh đại diện cho 870 Người có uy tín tỉnh Yên Bái được tham dự và được biểu dương tại Hội nghị Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là Người có uy tín trong vùng DTTS toàn quốc năm 2023 do Ủy ban Dân tộc tổ chức.
Ngoài ông Vì Văn Sang, tỉnh Yên Bái còn hàng trăm người có uy tín nặng lòng với văn hóa dân tộc như ông Giàng A Phử, Người uy tín xã An Lương, huyện Văn Chấn đã tích cực vận động nhân dân giữ gìn, phát huy nét đẹp trong phong tục truyền thống “kéo vợ” của dân tộc Mông trên tinh thần tự nguyện, phù hợp tập tục, đúng quy định của pháp luật; ông Phùng Văn Ló, thôn 6 Nhầy, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên đã vận động đồng bào dân tộc Phù Lá trong việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các phong tục, tập quán, tín ngưỡng tốt đẹp của người Phù Lá; ông Nguyễn Hồng Quang (xã Việt Hồng), ông Đặng Hồng Quân (xã Tân Đồng), huyện Trấn Yên; ông Mùa Nhà Tủa, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu; ông Sùng Nhà Páo, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên;…
Đặc biệt, nhiều Người có uy tín còn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để khai thác, phục vụ khách du lịch, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, thôn bản, nhờ đó, giúp cộng đồng các DTTS thêm quý trọng, khơi dậy lòng tự hào về văn hóa các dân tộc. Tiêu biểu như ông Điêu Văn Khang, bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ đã cảo tạo ngôi nhà sàn của mình để phục vụ du lịch, hàng năm đón hàng ngàn lượt khách, có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Cũng nhờ có tấm gương phát triển du lịch Homestay của ông Khang, nhiều hộ dân trong bản Sàn Rèn đã học tập làm theo. Nhờ đó đã giúp bản Sà Rèn trở thành một điểm du lịch khó bỏ qua đối với mỗi du khách khi đến với Nghĩa Lộ.
Ông Vàng A Rùa, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái cho biết, trong những năm qua, Người có uy tín đã thường xuyên cùng với cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cơ sở, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; giữ vai trò nòng cốt trong tham gia ý kiến vào các bản quy ước, hương ước có nội dung liên quan đến phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống như: Không thách cưới, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, không xuất cảnh trái phép, ăn ở hợp vệ sinh, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường; bài trừ hủ tục, đẩy lùi mê tín dị đoan, ốm đau đến cơ sở y tế khám và điều trị, không cúng bái, mê tín dị đoan, vận động con cháu không sinh con thứ 3.
Bên cạnh đó, nhiều người có uy tín đã phát huy vai trò của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các, dân tộc, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống như: Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông; lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; lễ hội Hạn Khuống, Tết Xíp xí, lễ hội Rằm tháng Giêng của dân tộc Thái, lễ xuống đồng của dân tộc Tày.… Người có uy tín còn truyền dạy con, cháu và trong cộng đồng các nghề truyền thống như: Dệt lanh thổ cẩm, nghề rèn đúc...và chế biến các món ăn dân tộc. Nhiều các nghệ nhân, Người có uy tín còn sưu tầm, truyền dạy tiếng nói, chữ viết các dân tộc, các làn điệu dân ca, dân vũ các bài cúng và trò chơi dân gian như đánh yến, ném còn, đẩy gậy cho các thế hệ con cháu.
“Đặc biệt, các gia đình người có uy tín đều đăng ký phấn đấu xây dựng gia đình văn hoá, cam kết dạy bảo con, cháu không mắc các tệ nạn xã hội. Những người có uy tín cao tuổi còn tích cực tham gia phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, nêu cao gương sáng trong việc tự học, tự rèn luyện, tích cực tham gia các hoạt động hội khuyến học, khuyến tài, tích cực vận động các gia đình có con cháu trong độ tuổi đi học đến trường…” Ông Vàng A Rùa nhấn mạnh.
Báo Dân tộc