Yên Bái là tỉnh miền núi thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, với diện tích tự nhiên trên 6.892,68 km2; dân số gần 85 vạn người, có trên 30 dân tộc cùng chung sống, DTTS chiếm 57,3% (trong đó dân tộc Tày chiếm 18,28%, Mông 13,03%, Dao 12,32%, Thái 7,54% còn lại là các dân tộc khác như: Mường, Nùng, Cao Lan, Sán Chay, Khơ Mú, Hoa, Phù lá...). Đồng bào dân tộc thiểu số theo các tôn giáo chiếm gầm 25% trong tổng số hơn 80.000 tín đồ trong tỉnh.
Theo Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái, thực hiện Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS, năm 2023 tỉnh Yên Bái có 870 Người có uy tín. Trong đó, dân tộc Tày 290 người, Mông 180 người, Dao 171 người, Thái 99 người, Mường 39 người, Nùng 31 người, Kinh 32 người, Cao Lan 21 người, Giáy 3 người, Khơ Mú 04 người.
Đội ngũ những người có uy tín là những già làng (128 người), trưởng dòng họ (81 người), trưởng thôn và tương đương (51 người), cán bộ hưu trí (166 người), chức sắc tôn giáo (6 người), thầy mo, thầy cúng (49 người), nhân sỹ, trí thức (6 người), doanh nhân, người sản xuất giỏi (20 người), nghệ nhân dân gian (2 người), thành phần khác (356 người).
Đội ngũ Người có uy tín đại diện cho nhiều thành phần dân tộc, nhiều lĩnh vực, giàu kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống xã hội. Họ là những tấm gương sáng, tích cực, tiên phong trong mọi phong trào, có tiếng nói, có sức ảnh hưởng lớn trong vùng đồng bào DTTS.
Thôn Làng Câu là thôn đặc biệt khó khăn duy nhất của xã Tân Hợp (huyện Văn Yên) cách trung tâm xã hơn 7 km. Thôn có 142 hộ với gần 600 khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Những năm trước đây tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 50%. Với kinh nghiệm bề dày 32 năm làm trưởng thôn, Bí thư chi bộ, 7 năm là Người có uy tín trong thôn, ông Bàn Văn Kim đã cùng với cấp uỷ, các tổ chức đoàn thể trong thôn tích cực vận động, tuyên truyền để bà con tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, bà con dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn mở rộng sản xuất, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật và thử nghiệm các giống cây, con có hiệu quả hơn.
Phát huy lợi thế đất sản xuất lâm nghiệp và truyền thống trồng quế của người Dao, ông Bàn Văn Kim đã tích cực vận động các hộ gia đình trong thôn tận dụng đất đai để trồng quế, phát triển kinh tế đồi rừng. Đến nay thôn Làng Câu đã có trên 500 ha quế, các hộ trong thôn đều có ít nhất từ 3 ha quế trở lên, nhiều hộ gia đình có từ 20 đến 30 ha quế, riêng gia đình ông có trên 15 ha quế đã cho thu hoạch.
Nhờ đó, từ một thôn có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, đến nay Làng Câu chỉ còn 7% hộ nghèo, nhiều gia đình đã trở nên khá giàu với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Với những đóng góp thiết thực, có hiệu quả, ông Bàn Văn Kim đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành. Mới đây, ông Kim cùng 13 Người có uy tín tiêu biểu khác đại diện cho 870 Người có uy tín tỉnh Yên Bái được tham dự và được biểu dương tại Hội nghị Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là Người có uy tín tron vùng DTTS toàn quốc năm 2023 do Ủy ban Dân tộc tổ chức.
Tương tự, ông Trần Văn Nguyên, sinh năm 1954, dân tộc Cao Lan là Người uy tín thôn Ngòi Giàng, xã Bạch Hà (huyện Yên Bình) luôn trăn trở làm sao cho dân làng bớt nghèo, bớt khổ. Ông đã ông đã cùng cấp ủy Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể không ngại khổ, không ngại khó trực tiếp đến từng hộ gia đình trong thôn, xóm để tuyên truyền, vận động bà con tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, cây con giống được Nhà nước hỗ trợ qua các chương trình, dự án; đồng thời tích cực chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất để bà con trong thôn áp dụng.
Vì vậy, nhiều hộ gia đình trong thôn đã có sự thay đổi trong phương thức sản xuất, nhiều hộ có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo và có hộ vươn lên làm giàu. Điển hình như hộ ông Thôi Văn Chất, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng, ông Trần Văn Qúy thu nhập từ cây chè và chăn nuôi 170 triệu đồng/năm...
Cùng với đó, ông Nguyên còn tích cực vận động các hộ dân tham gia các mô hình, tổ hợp tác như: hợp tác sản xuất chè, tổ hợp tác chăn nuôi trâu bò, chăn nuôi lợn, thực hiện các mô hình chăn nuôi… Từ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã năm 2021 là 15,5%, đến năm 2023 dự kiến chỉ còn trên 6%; toàn xã đã thực hiện giảm được 132 hộ nghèo (tương đương 9,5%) so với năm 2021; riêng thôn Ngòi Giàng giảm được 35 hộ nghèo.
Ngoài ông Bàn Văn Kim (huyện Văn Yên), ông Trần Văn Nguyên (huyện Yên Bình), trên địa bàn tỉnh Yên Bái còn có hàng trăm Người có uy tín là những tấm gương trong phát triển kinh tế. Tiêu biều như ông Lý Nhà Chảo, dân tộc Mông, sinh năm 1967, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải đã lựa chọn các loại giống, cây trồng phù hợp để phát triển kinh tế gia đình và nuôi ong lấy mật, trồng được 03 hạ thảo quả, 02 hạ sơn tra, hằng năm cho thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng; ông Sùng A Trừ, dân tộc Mông, sinh năm 1959, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải với mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm mỗi năm cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng; ông Hoàng Sinh Cành, dân tộc Tày, sinh năm 1965, xã Tích Cốc, huyện Yên Bình đã xây dựng Mô hình trồng vườn bưởi diễn một ngàn cây đã bắt đầu cho thu hoạch; ông Triệu Tiến Bảo, dân tộc Dao, sinh năm 1956, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên với diện tích quế trên 10 ha mỗi năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng…
Nhận định về vai trò của Người có uy tín trong phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, những đóng góp tích cực của Người có uy tín được thể hiện rõ nét trên các lĩnh vực của đời sống, xã hội. Người có uy tín đã phát huy vai trò là "cầu nối" giữa cấp ủy Đảng, chính quyền của địa phương với đồng bào DTTS; có những đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Họ là tấm gương sáng, luôn đi đầu, hướng dẫn, cùng đồng bào dân tộc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tích cực áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, bảo vệ rừng…
Với những đóng góp tích cực của người có uy tín, nên năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm 5,15% so với năm 2021, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo huyện Trạm Tấu giảm còn 56,37%, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mù Cang Chải còn 48,28%...
Với tinh thần cần cù, sáng tạo và giàu kinh nghiệm trong cuộc sống, mong muốn cống hiến cho gia đình và xã hội, nhiều người có uy tín là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, động viên con, cháu, vận động nhân dân trong thôn, bản tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xoá bỏ những tập quán canh tác lạc hậu, tạo ra những mô hình điển hình, góp phần thúc đẩy phong trào xoá đói giảm nghèo ở địa phương.
Báo Dân tộc