Tại Hội Báo toàn quốc 2023, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, về chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí cũng như các công nghệ được ứng dụng trong làm báo, đặc biệt là những đổi mới, sáng tạo của các tòa soạn báo trong thời đại công nghệ số.
Thưa ông, một trong những chủ đề của Hội báo năm nay được nhấn mạnh là sáng tạo. Ông đánh giá như thế nào về tính sáng tạo của các gian hàng tại Hội Báo toàn quốc 2023 nói chung và của VnEconomy nói riêng?
Thông qua Hội báo toàn quốc năm nay, rất nhiều cơ quan báo chí đã giới thiệu những nét mới của toà soạn mình, những đổi mới trong tiếp cận công chúng, sản xuất nội dung. Chúng ta đều biết, các cơ quan báo chí đang đứng trước sự cạnh tranh gắt gao về mặt thông tin, tốc độ đưa tin và sự tận dụng nền tảng số, môi trường số phân phối thông tin cũng như tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới.
Tôi rất ấn tượng với gian hàng của VnEconomy ở Hội báo toàn quốc 2023 này. Các bạn đã thể hiện rất rõ trong thiết kế và hoạt động của gian hàng, đúng như tiêu chí nổi bật của Hội báo năm nay là sự sáng tạo.
Tại Hội báo toàn quốc 2023, VnEconomy giới thiệu một sản phẩm mới là chatbot AI -Askonomy. Ông đánh giá như thế nào về chatbot này?
Trong một vài năm trở lại đây, tôi thấy rất ấn tượng với sự đổi mới của tòa soạn VnEconomy, các bạn đã tận dụng rất tốt xu hướng các nền tảng số, vừa tận dụng các nền tảng số quốc tế như: TikTok, các kênh đa nền tảng mang tính xuyên biên giới. Một trong những yêu cầu của các cơ quan báo chí là tự phát triển nền tảng kỹ thuật của mình và công cụ hỗ trợ phát triển nội dung của mình. Trong bối cảnh đó, Askonomy là một sáng tạo lớn của VnEconomy.
Các bạn có thể tích hợp rất nhiều thông tin và trở thành nơi phục vụ gia tăng giá trị cho độc giả trung thành. Họ có thể tìm hiểu những thông tin mà Askonomy tổng hợp, tư vấn, cung cấp thông tin từ các nguồn chính thống. Tôi cho đây là một sáng tạo của riêng VnEconomy mà không phải tờ báo nào cũng làm được.
Ngoài ra, Askonomy sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc gia tăng thời gian gắn bó của công chúng với tờ báo, cũng như cung cấp nhiều thông tin cho độc giả, các nhà quản lý, doanh nghiệp hay đơn giản là những người quan tâm tới kinh tế, vì lĩnh vực kinh tế là lĩnh vực rất hẹp, khó thu hút công chúng. Với sự phát triển này, tôi tin đây là một cách làm rất phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay.
Theo ông, người làm báo cần chuẩn bị những gì để thích ứng trong bối cảnh nở rộ của công nghệ và sự phát triển của AI?
Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta tiếp cận sự phát triển của khoa học công nghệ với một thái độ coi đây là cơ hội thì rất tốt, ví dụ như công nghệ Askonomy này. Nó cũng giống như ChatGPT chúng ta bàn rất nhiều trên báo chí, và tôi nghĩ trong tương lai, còn có những công nghệ khác tối ưu hơn nữa, và nó luôn thách thức con người.
Tôi nghĩ rằng các phần mềm như ChatGPT, hay bất kỳ AI nào, cũng không thể thay thế con người. Bởi vì nó vẫn dựa trên sự xử lý những thông tin đã có do con người cung cấp. Nếu chúng ta tận dụng được các tiến bộ công nghệ, áp dụng vào công việc sao cho thuận lợi hơn, dễ dàng hơn và thông minh hơn trong công nghệ làm báo, thì sẽ không có thách thức, mà đấy là cơ hội để chúng ta tận dụng công nghệ.
Theo tôi, công nghệ không bao giờ thay thế được vai trò của con người.
Ông có lời khuyên gì dành cho người làm báo trong bối cảnh nhiều công cụ như trí tuệ nhân tạo, chatbot đang nổi lên như thế này?
Theo tôi, thứ nhất là phải nhanh hơn, thứ hai là phải sâu hơn, thứ ba là phải tạo ra được sự khác biệt và sự chuyên nghiệp. Chúng ta chỉ có thể làm báo với một phông kiến thức rộng và chuyên nghiệp, chuyên sâu, chúng ta tạo ra những sản phẩm báo chí có ích cho công chúng thì chúng ta mới tồn tại được.
Người làm báo hiện nay khác ngày xưa ở phần kỹ năng, phải có kỹ năng để tạo ra các sản phẩm báo chí tồn tại trên môi trường số.
Ví dụ, chúng ta biết công chúng dành rất nhiều thời gian tham gia môi trường số, tôi nhớ không nhầm trong thống kê, Việt Nam có khoảng 100 triệu dân, thì có tới khoảng 160 triệu chiếc điện thoại thông minh. Thời gian bình quân một người bình thường xuất hiện trên mạng là khoảng 6-8 tiếng/ngày.
Vì thế, cách cung cấp thông tin truyền thống như báo giấy, kể cả online, truyền hình-phát thanh đều phải thay đổi. Chúng ta phải cố gắng phân tích hành vi người dùng rồi trải nghiệm thói quen của họ bằng công nghệ, chúng ta định hướng trở lại việc sản xuất nội dung, làm sao cung cấp được nhiều nội dung đáp ứng nhu cầu công chúng thì chúng ta sẽ tồn tại và vượt lên.
Trong bối cảnh nở rộ của các công nghệ và mạng xã hội, báo chí chính thống sẽ đứng trước sự cạnh tranh ra sao, thưa ông?
Tôi nghĩ là với sự bùng nổ của mạng xã hội và các nền tảng xuyên biên giới, chưa bao giờ báo chí phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như bây giờ. Nếu trước đây, chúng ta làm báo giấy thì chúng ta truyền phát thông tin cho công chúng bằng kênh báo giấy, phát thanh-truyền hình thì truyền phát bằng những công nghệ truyền phát truyền thống analog. Nhưng khi Internet ra đời, nhất là công nghệ số bùng nổ, chưa bao giờ báo chí cạnh tranh trên mạng xã hội khốc liệt như bây giờ. Những người làm báo phải chấp nhận điều ấy.
Để khẳng định được vai trò, vị trí của mình, người làm báo phải trở thành người đưa tin chuyên nghiệp, cung cấp thông tin có ích cho công chúng, trở thành nguồn chắt lọc thông tin chính xác, chính thống.
Mạng xã hội cũng có rất nhiều mặt trái như một số thông tin không được kiểm chứng, thông tin có tính chất fake news (tin giả), và kẻ xấu có thể sử dụng công nghệ khuếch đại những thông tin không được kiểm chứng ấy lên nhằm chi phối người đọc.
Vai trò của báo chí chính thống là cung cấp nguồn tin kiểm chứng, cung cấp thông tin đầy đủ về tất cả các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu công chúng. Những thông tin giúp nâng cao trình độ hiểu biết của người đọc, giúp người đọc thỏa mãn bản chất các sự việc, hiện tượng, sẽ được tìm đọc nhiều hơn. Đấy chính là phần việc mà báo chí phải làm.
Nhà báo vừa sáng tạo vừa chuyên nghiệp, chứ không đưa tin nghiệp dư như các “nhà báo mạng”. Mạng xã hội là nền tảng mà tất cả các cơ quan báo chí phải tận dụng và cũng phải chinh phục, để cung cấp thông tin chính thống và đầy đủ đến công chúng.
Ông dự đoán như thế nào về sự phát triển và thay đổi của xu hướng báo chí Việt Nam trong năm 2023 và 2-3 năm tới?
Tôi nghĩ rằng việc dự đoán rất khó, nhất là trong bối cảnh các xu hướng khoa học công nghệ đang diễn ra ngày một nhanh chóng, với tần suất ngày càng dày. Chúng ta không thể tưởng tượng được bối cảnh, ví dụ như khi đại dịch xảy ra, đã thay đổi hoàn toàn hoạt động đời sống, trong đấy có báo chí. Nhưng tôi nghĩ tất cả các báo chí đang đứng trước sức ép là phải chuyển đổi số, tham gia vào môi trường số, sản xuất được các sản phẩm báo chí số, và tận dụng tối ưu môi trường số để cung cấp thông tin chinh phục công chúng và kinh doanh.
Thực ra báo chí đang đứng trước rất nhiều khó khăn, nhưng bằng sự năng động sáng tạo của các tòa soạn, sự đầu tư, hỗ trợ của các chính sách nhà nước, tôi tin là báo chí Việt Nam cũng như báo chí thế giới sẽ tìm ra chỗ đứng của mình. Chúng ta phải luôn luôn không ngừng thích nghi với sự thay đổi liên tục của thế giới. Chúng ta đang ở trong cái giai đoạn nghề báo không còn giống như ngày xưa nữa.
Thông qua Hội báo, tôi hy vọng các đồng nghiệp báo chí nói chung cũng sẽ học hỏi được nhau nhiều, nâng cao chất lượng của nền báo chí cách mạng và phục vụ công chúng tốt hơn.
Theo VNeconomy