Những năm gần đây, Đảng Cộng sản Việt Nam thay thế cụm từ “phòng chống tham nhũng, lãng phí” bằng cụm từ “phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, điều đó thể hiện sự mở rộng về phạm vi nội dung rộng hơn, căn cốt hơn, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tổng Bí thư chỉ rõ “đây mới là cái gốc, cái nguy hiểm nhất, dẫn đến tham nhũng, hư hỏng; không chỉ làm mất tiền, mất của, mà còn mất người, thậm chí mất cả chế độ”.
Phạm vi của tiêu cực mà chúng ta cần tập trung phòng, chống là những hành vi có liên quan đến tham nhũng; đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là loại biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực. Nói cách khác, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mới là cái gốc của tham nhũng. Phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng.
Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu. Phản bác những ý kiến còn lo ngại do đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm mất ổn định chính trị, thậm chí tạo cớ cho các thế lực thù đích chống phá Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư khẳng định chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Như vậy, suy thoái về đạo đức cách mạng của một bộ phận cán bộ, đảng viên là nguồn gốc dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, muốn chống tham nhũng, tiêu cực thì phải tập trung xây dựng đạo đức cách mạng, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, vì chủ nghĩa cá nhân chính là “một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”. Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tách xây dựng Đảng về đạo đức thành một mặt độc lập trong công tác xây dựng Đảng để nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác này. Xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng và thực hiện những chuẩn mực giá trị đạo đức cách mạng của đội ngũ đảng viên, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính. Do vậy, cần phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; phải tăng cường giáo dục kỷ luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn. Dựa vào dân, lắng nghe dân để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam đang được Đảng ta lãnh đạo với quyết tâm không có vùng cấm, không có ngoại lệ; không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng càng cho thấy giá trị lý luận và thực tiễn to lớn. Nhận diện và làm rõ nguồn gốc của tham nhũng, tiêu cực chính là hướng đến mục tiêu ngăn chặn, đầy lùi tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của nhân dân. Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là: Nhận thức phải chín; tư tưởng phải thông; quyết tâm phải lớn, và phương pháp phải đúng; kết quả rõ ràng, cụ thể”./.
L.V.C