Trả lời:
Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng Việt Nam khẳng định cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do đó trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, sức mạnh của đảng cộng sản được thể hiện thông qua sự gắn bó mật thiết với nhân dân.
V.I. Lênin khẳng định: "Chúng ta cần những đảng có liên hệ thực tế thường xuyên với quần chúng và biết lãnh đạo quần chúng đó"[1]và “Chỉ khi nào biểu hiện được đúng ý nguyện của nhân dân, thì chúng ta mới quản lý nhà nước được. Nếu không, Đảng cộng sản sẽ không lãnh đạo được giai cấp vô sản, giai cấp vô sản sẽ không lôi cuốn được quần chúng theo mình, và tất cả bộ máy sẽ tan rã"[2]; "quần chúng lao động ủng hộ chúng ta, sức mạnh của chúng ta là ở đó. Nguồn gốc khiến chủ nghĩa cộng sản thế giới trở thành vô địch cũng là ở đó"[3].
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong”[4]. Với Đảng, “nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết"[5]. Bởi vậy, “một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta và dân chúng”[6].
Đảng ta là đội tiền phong của giai cấp công nhân, mang bản chất giai cấp công nhân, nên phải gắn bó với nhân dân mà hạt nhân lãnh đạo là giai cấp công nhân. Hơn nữa, Đảng ta còn là đội tiền phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam nên tất yếu Đảng càng phải liên hệ mật thiết và bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động.
Kinh nghiệm lịch sử của các đảng cộng sản cho thấy khi đảng cộng sản cầm quyền nào không giữ được mối liên hệ với nhân dân, không được nhân dân ủng hộ thì dù có nhiều thành công lớn trong quá khứ vẫn suy yếu, thậm chí sụp đổ. Ngày nay, thực tiễn chính trị hiện đại đều cho thấy, các chính đảng muốn lên cầm quyền hoặc kéo dài địa vị cầm quyền của mình, một vấn đề cơ bản cần giải quyết chính là làm thế nào để giành được lòng dân, giữ được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân.
Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: "Sự tin tưởng, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân là cội nguồn của sức mạnh, là cái gốc của thắng lợi, là tài sản quý báu của Đảng"1. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) do Đại hội XI của Đảng thông qua tổng kết: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”[7].
Nội dung nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân gồm những yêu cầu chủ yếu sau:
Mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, động viên, tổ chức nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng.
Thực hiện nguyên tắc dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.
Tổ chức đảng làm tốt công tác dân vận.
Cán bộ lãnh đạo phải thường xuyên đi sát cơ sở, đi sát nhân dân, trực tiếp trao đổi ý kiến với nhân dân, học hỏi kinh nghiệm sáng tạo của nhân dân.
Mỗi đảng viên cộng sản phải thật sự vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.
Lãnh đạo xây dựng và phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội.
Tiến hành thường xuyên cuộc đấu tranh ngăn ngừa và khắc phục chủ nghĩa quan liêu.
[1] V.I.Lênin: Toàn tập,t. 44, Nxb Tiến bộ, M., 1977, tr. 285-286.
[2] V.I.Lênin: Toàn tập, t. 45, Nxb Tiến bộ, M., 1977, tr.134.
[3] V.I.Lênin: Toàn tập, t. 39, Nxb Tiến bộ, M., 1977, tr. 257-258.
[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 5, Nxb CTQG, H., 2000, tr. 295.
[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 5, Nxb CTQG, H., 2000, tr. 238.
[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 5, Nxb CTQG, H., 2000, tr. 285
1Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H., 2006, tr.304.
[7]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H., 2011, tr 65.
Quốc Giang