Trả lời:
Đảng hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật là một quan điểm lớn, nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam,đã được nêu lên và thực hiện từ khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (4-2006), quan điểm này được Đảng phát triển thành một nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng. Đại hội XI của Đảng (1-2011) tiếp tục xác định Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật và đó là một trong 5 nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng hiện nay.
1. Cơ sở lý luận và thực tiễn của nguyên tắc
Xuất phát từ vị trí, vai trò của Đảng, Nhà nước; bản chất của Hiến pháp và pháp luật trong điều kiện Đảng cầm quyền:
Khi trở thành đảng cầm quyền, Đảng là lực lượng lãnh đạo xã hội thông qua việc đề ra đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; Nhà nước tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thông qua chức năng quản lý Nhà nước; Hiến pháp và pháp luật chính là đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng được thể chế hóa.
Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, cán bộ, đảng viên thực hiện đúng Hiến pháp và pháp luật chính là đã thực hiện sự lãnh đạo của Đảng. Thực chất Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật chính là quá trình chấp hành, thực hiện đường lối và các nghị quyết của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Trong điều kiện Đảng cầm quyền, lãnh đạo quản lý kinh tế và tổ chức đời sống, đường lối, chính sách và các nghị quyết của Đảng được biến thành kế hoạch Nhà nước, thành pháp luật, mệnh lệnh, quy chế của Nhà nước. Vì thế, chấp hành kế hoạch, pháp luật, mệnh lệnh, quy chế của Nhà nước cũng chính là chấp hành đường lối và các nghị quyết của Đảng”[1].
Xuất phát từ yêu cầu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền:
Nhà nước pháp quyền Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Đảng lãnh đạo xây dựng Hiến pháp và pháp luật, nhưng một khi đã có Hiến pháp và pháp luật thì Đảng không những phải tôn trọng mà còn phải chịu sự điều chỉnh của Hiến pháp và pháp luật bình đẳng như mọi chủ thể chính trị khác.
Việc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Với việc thực hiện nghiêm túc nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật sẽ nâng cao tính độc lập, chủ động phát huy vai trò quản lý xã hội của Nhà nước, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao tính nghiêm minh của Hiến pháp và pháp luật, góp phần thúc đẩy xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Xuất phát từ yêu cầu xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, không ngừng đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng:
Việc thực hiện nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, một mặt, bằng các quy định của pháp luật, công nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó hoạt động của Đảng được pháp luật bảo vệ; mặt khác, với việc thực hiện nghiêm túc nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật sẽ góp phần khắc phục các hiện tượng lệch lạc, tiêu cực trong hoạt động lãnh đạo của các tổ chức Đảng, như: bao biện, làm thay, tuỳ tiện, chủ quan, coi thường pháp luật.
Xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn trong nước và ngoài nước:
Thực tế cho thấy ở đâu, khi nào tổ chức đảng hoạt động theo hướng tôn trọng Hiến pháp và pháp luật thì có kết quả tốt, và ngược lại, khi nào, ở đâu chủ quan, duy ý chí, coi nhẹ luật pháp thì vai trò và hiệu quả lãnh đạo của Đảng đều bị hạn chế, thậm chí phạm sai lầm nghiêm trọng.
Trên thế giới, nền chính trị hiện đại cho thấy các chính đảng cầm quyền đều phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật của quốc gia. Một trong các nguyên nhân làm cho một số đảng cộng sản cầm quyền bị thất bại, sụp đổ vừa qua chính là do đã mắc bệnh “kiêu ngạo cộng sản”, coi thường hiến pháp và pháp luật, nên dần bị thoái hóa, biến chất, bị nhân dân phản đối.
Từ những luận cứ nêu trên cho thấy, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật không phải là hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng mà là một yêu cầu khách quan, vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vừa giúp xây dựng Đảng vững mạnh, thật sự xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội.
2. Nội dung nguyên tắc
Một là, vị trí, vai trò của Đảng được chế định trong Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Hai là, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng phải được thể chế hóa thành Hiến pháp và pháp luật thông qua trình tự lập hiến, lập pháp, thông qua đó thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội.
Ba là, tổ chức, sinh hoạt của Đảng phù hợp với các thiết chế do Hiến pháp và pháp luật quy định. Điều đó vừa đáp ứng tốt yêu cầu lãnh đạo của Đảng, vừa đáp ứng yêu cầu thực thi Hiến pháp và pháp luật, không cản trở hoạt động của Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Các sinh hoạt của Đảng, ngoài việc tuân theo quy định của Điều lệ, hướng dẫn của Đảng, còn cần phù hợp với các chế định của Hiến pháp và pháp luật, tránh gây cản trở, trái ngược với các thiết chế của Nhà nước.
Bốn là, tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được ra nghị quyết, chỉ thị trái với Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Các tổ chức đảng không được ra nghị quyết, chủ trương trái pháp luật; đồng thời, không gây áp lực đến việc chấp hành và thực hiện đúng đắn pháp luật và chính sách của Nhà nước của cán bộ, đảng viên trong cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.
Năm là, tổ chức đảng và đảng viên gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Các đảng viên đảm nhận các chức vụ lãnh đạo và thực hiện công vụ theo chế độ trách nhiệm luật pháp quy định, không được lợi dụng quyền uy của Đảng, đặt mình lên trên pháp luật để làm trái Hiến pháp và pháp luật. Xử lý nghiêm minh theo kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm Hiến pháp và pháp luật, dù người đó ở chức vụ nào cũng không có ngoại lệ.
[1]Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng (tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV), Nxb Sự thật, H, 1977, tr.100
Quốc Giang