Chủ tịch Hồ Chí Minh xem tự phê bình và phê bình là thứ "vũ khí thần diệu" để giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh và là nguyên tắc sống còn trong sinh hoạt Đảng. Hội nghị Trung ương 4 (khóa 12) đánh giá sau nhiều năm thực hiện các nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn Đảng, tình trạng suy thoái trong Đảng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí có nơi còn phức tạp hơn. Một trong những nguyên nhân là do nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm nguyên tắc khi kiểm điểm tự phê bình và phê bình.
Tư tưởng né tránh, “anh không đụng đến tôi, tôi không đụng đến anh”, tự phê bình - phê bình qua loa, hình thức “dễ người, dễ ta” khá phổ biến. Thực tế đó lý giải vì sao những năm qua, nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra nhưng ít được phát hiện qua kiểm điểm ở các cấp ủy Đảng. Ở đó, tình trạng nói nhiều ưu điểm, nêu ít khuyết điểm, hoặc nếu có thì cũng cố gắng né tránh vị trí lãnh đạo, vài việc nhạy cảm, không “chỉ” đúng “cái tật” cần kiểm điểm, chỉ ra sai phạm, vi phạm nghiêm trọng. Có nơi còn mượn công việc này để ca ngợi, tâng bốc, lấy lòng nhau, lấy lòng cấp trên…
Ngược lại, ở một số nơi bị mất đoàn kết, cục bộ, “tranh giành ghế”, lãnh đạo yếu kém… thì phê bình - tự phê bình lại diễn ra căng thẳng, có khi trở thành diễn đàn “trút giận”. Kiểm điểm không theo hướng dẫn, tiêu chí đặt ra, mạnh ai người đó lên tiếng những việc, hiện tượng mà trong tập thể không phải ai cũng biết. Có cái đúng nhưng cũng có những khuyết điểm, tiêu cực đưa ra giữa tập thể không cần biết đã xác minh có hay không, đúng hay sai, mức độ vi phạm đến đâu. Nguy hiểm hơn là kéo bè kéo cánh, thì thầm to nhỏ, xúi giục phê bình, đưa ra ý kiến ủng hộ một vài cá nhân nhưng không có cơ sở xác định đúng - sai. Có không ít cán bộ, đảng viên ngại va chạm, dù biết có sai phạm, khuyết điểm của người khác lại giữ mình bằng “im lặng là vàng”, “tọa sơn quan hổ đấu”…
Nguyên nhân của những yếu kém trong tự phê bình và phê bình là cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp nhận thức kiểm điểm chiếu lệ, làm hình thức, không đúng thực chất. Nhạy cảm nhất là lãnh đạo sợ bị chỉ ra khuyết điểm, tiêu cực, tham nhũng, những việc khuất tất đã được che đậy lâu nay. Trong tập thể còn có những “vùng cấm”, “vùng tránh” đấu tranh phê bình hoặc lợi dụng để “hạ bệ”, “thanh trừng” lẫn nhau, gây chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết. Người có khuyết điểm lại được đánh giá tốt, được khen thưởng, đưa vào quy hoạch nhưng sau khi kiểm tra mới “lòi” ra hàng loạt vi phạm mà ở đó không phải đã không có những điều tiếng, dư luận về... những kẻ “chưa bị lộ”.
Tự phê bình và phê bình phải vì đồng chí, đồng đội, làm cho cán bộ sau vấp ngã vươn lên trong cuộc sống, hoàn thành nhiệm vụ. Phê bình phải làm cho họ nhận ra những sai lầm, khuyết điểm và khắc phục sủa chữa. Thái độ đúng đắn trong phê bình là “lý lẽ phân minh, nghĩa tình đầy đủ”, không xuê xoa nhưng không cực đoan, phải thực sự khách quan, công tâm chứ không phải “yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Loại bỏ tình trạng cùng phe cánh thì bao che, không cùng phe cánh thì tìm bới móc, “trước mặt không nói, soi mói sau lưng”...
Đảng tiếp tục hoàn thiện các chế tài, quy định để thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình ở các cấp, trong đó cần có cơ chế để bảo vệ người đấu tranh phê bình. Khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh. Lãnh đạo cơ sở dám nhìn thẳng vào sự thật, nghiêm túc kiểm điểm trên cơ sở nhận thức đúng, khách quan. Đây là công việc khó, đòi hỏi phải có dũng khí, có phương pháp, phải “thấu tình đạt lý” mang tính nhân văn cao mới mang đến hiệu quả thiết thực. Để kiểm điểm phê bình thực chất và hiệu quả thì quyết định nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ chủ chốt phải gương mẫu, dũng cảm nêu gương trước, làm trước, tập thể mới có không khí dân chủ, dám tự phê bình và phê bình đúng nghĩa.
Kiểm điểm phê bình đúng thực chất, kiểm tra kịp thời khi có dấu hiệu vi phạm, xử lý kỷ luật nghiêm “không có vùng cấm”, kể cả xử lý hình sự mới có đủ sức răn đe những kẻ rắp tâm “nhúng chàm”./.
ĐT