Trả lời:
Nguyên tắc là những điều quy định bắt buộc đối với cá nhân, tổ chức phải tuân thủ để giúp cá nhân, tổ chức đó thực hiện được mục tiêu của mình. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Sự chặt chẽ về nguyên tắc là vấn đề sống còn của Đảng và bảo đảm quan trọng nhất cho sức sống, sự trong sạch và vững mạnh của Đảng”[1].
Trên cơ sở những nguyên lý xây dựng chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân và thực tiễn hoạt động của Đảng, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI thông qua quy định: "Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”[2].
Như vậy, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định 5 nguyên tắc tổ chức, hoạt động: tập trung dân chủ trong Đảng; tự phê bình và phê bình; đoàn kết thống nhất; gắn bó mật thiết với nhân dân; và Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đây không phải là những nguyên tắc riêng rẽ, mà là một hệ thống những nguyên tắc xác định, có nghĩa là những nguyên tắc đó có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đan xen, thâm nhập vào nhau trong thực tiễn xây dựng và hoạt động của Đảng.
Nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ đạo toàn bộ hoạt động xây dựng tổ chức và hoạt động của Đảng, vừa bảo đảm cho Đảng thống nhất ý chí và hành động, vừa phát huy dân chủ, tạo nên sức mạnh vô địch của Đảng.
1. Cơ sở lý luận và thực tiễn của nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng
Xuất phát từ bản chất của Đảng: Là đội tiền phong chiến đấu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, Đảng phải có tổ chức chặt chẽ, tập trung, thống nhất, chứ không thể là một tổ chức lỏng lẻo, vô chính phủ; là liên minh tự nguyện của những người cùng chung chí hướng cộng sản, đấu tranh để xây dựng chủ nghĩa xã hội - một xã hội dân chủ, Đảng lại phải có tổ chức dân chủ mới phù hợp với bản chất và mục đích ấy. Bởi vậy, xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ là xa rời bản chất của Đảng Cộng sản.
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ lịch sử của Đảng: Nhiệm vụ lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam là lãnh đạo cuộc đấu tranh xóa bỏ áp bức, bóc lột, bất công, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa và tiến tới chủ nghĩa cộng sản. Nhiệm vụ đó rất to lớn nhưng mới mẻ, khó khăn, đòi hỏi Đảng phải tổ chức dân chủ để phát huy mọi tiềm năng trí tuệ, lực lượng của đảng viên và các tổ chức trong toàn Đảng. Mặt khác, nhiệm vụ lịch sử của Đảng rất cam go, phức tạp, quyết liệt, lâu dài, đối đầu với các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá đảng cộng sản và chủ nghĩa xã hội, do đó, Đảng phải được tổ chức một cách tập trung với sự thống nhất về tổ chức và hoạt động, kỷ luật nghiêm minh mới đủ sức hoàn thành nhiệm vụ lịch sử đó.
Xuất phát từ kinh nghiệm lịch sử của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế: Thực tiễn cho thấy, với nguyên tắc tập trung dân chủ, nhiều đảng cộng đã xây dựng tổ chức của mình thành đội tiền phong chiến đấu có tổ chức chặt chẽ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách khốc liệt, lãnh đạo cách mạng giành những thắng lợi to lớn. Ngày nay, nhờ kiên trì nguyên tắc tập trung dân chủ, các đảng cộng sản cầm quyền còn lại đã giữ vững đội ngũ, vượt qua thời kỳ khó khăn nhất của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đang từng bước cải cách, đổi mới thành công, tạo dựng lại niềm tin về chủ nghĩa xã hội không chỉ trong mỗi quốc gia, dân tộc mà còn trên phạm vi thế giới.
Xuất phát từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của Đảng Cộng sản Việt Nam: Từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho thấy, trong từng thời kỳ cách mạng, từ cấp Trung ương đến cơ sở, tổ chức đảng nào thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ thì tổ chức đoàn kết thống nhất, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấucao, đưa sự nghiệp cách mạng giành được những thắng lợi quan trọng; trái lại, có những thời điểm nguyên tắc tập trung dân chủ không được thực hiện nghiêm túc, bị lợi dụng, bóp méo thì tổ chức đảng đó nhất định sẽ mất đoàn kết, dẫn đến suy giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu.
Hiện nay, lợi dụng những sai lầm trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của các đảng cộng sản cầm quyền, các thế lực thù địch vẫn đang ra sức tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo nguyên tắc tập trung dân chủ hòng làm cho các đảng cộng sản còn lại dao động từ bỏ nguyên tắc này.
Với kinh nghiệm và bản lĩnh chính trị vững vàng, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn khẳng định tập trung dân chủ là nguyên tắctổ chức cơ bản của Đảng. Mọi mưu toan xa rời, phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ trong đảng đều bị phê phán, ngăn chặn.
2. Vị trí, vai trò của nguyên tắc tập trung dân chủ
Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng. Tinh thần chủ yếu của nguyên tắc này là bảo đảm cho sự thống nhất về tư tưởng và chính trị của đảng cộng sản được củng cố bằng sự thống nhất về tổ chức. Nó bảo đảm cho đảng luôn luôn là một tổ chức chiến đấu, một tổ chức lãnh đạo, một tổ chức hành động mà không phải là một câu lạc bộ chỉ bàn cãi suông. Đồng thời, nó quy định mối quan hệ của đảng viên với tổ chức đảng, giữa các tổ chức đảng từ dưới lên trên, giữa một cấp ủy đảng với đại hội đại biểu hay đại hội đảng viên của cấp đó.
Nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ đạo mọi hoạt động xây dựng tổ chức, sinh hoạt và lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng chi phối các nguyên tắc tổ chức, hoạt động khác của Đảng.
Tập trung dân chủ là nguyên tắc phân biệt chính đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân với các đảng phái khác. Thừa nhận và tổ chức, hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ là một dấu hiệu, một điều kiện cơ bản bảo đảm cho một chính đảng đi theo và trung thành với những nguyên tắc của một đảng mácxít - lêninnít.
3. Nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ
Nội dung cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng được quy định tại Điều 9 của Điều lệ Đảng: Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản của nguyên tắc đó là:
(1) Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
(2) Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp ủy).
(3) Cấp ủy các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp ủy cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình.
(4) Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.
(5) Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp ủy có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số.
(6) Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên[3].
4. Tính thống nhất của nguyên tắc tập trung dân chủ
Tập trung dân chủ là một nguyên tắc thống nhất, không tách rời, càng không thể đối lập giữa tập trung và dân chủ. Nguyên tắc tập trung dân chủ hướng tới sự tập trung nhưng là sau khi đã bàn bạc dân chủ. Tập trung không trên cơ sở dân chủ thì sẽ trở thành tập trung quan liêu, chuyên quyền, độc đoán; ngược lại, dân chủ mà không đi tới tập trung thì sẽ rơi vào tình trạng dân chủ vô tổ chức, hỗn loạn.
V.I. Lênin viết: “chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa và mặt khác, thật khác xa chủ nghĩa vô chính phủ''[4]. Người khẳng định rõ: trên báo chí của chúng tôi, chúng tôi luôn luôn bảo vệ dân chủ trong nội bộ đảng. Nhưng chúng tôi không bao giờ phản đối chế độ tập trung của đảng. Chúng tôi chủ trương chế độ tập trung dân chủ[5].
Tùy tình hình, nhiệm vụ của Đảng trong từng thời kỳ, cách thực hiện và phạm vi áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ có sự khác nhau, nhưng điều đó không có nghĩa coi tập trung hay dân chủ là chính còn mặt kia là phụ.
[1]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.37, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 772.
[2]Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 5.
[3]Xem Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 16-19.
[5]V.I.Lênin: Toàn tập, t. 21, Nxb Sự thật, H.1963, tr.501.
Quốc Lâm