Trả lời:
Trong bài báo "Tự phê bình, phê bình, sửa chữa" (tháng 7-1956), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra khái niệm hoàn chỉnh về tự phê bình và phê bình.
Người viết: "Tự phê bình là cá nhân (cơ quan hoặc đoàn thể) thật thà nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa, để người khác giúp mình sửa chữa, mà cũng để người khác biết mà tránh những khuyết điểm mình đã phạm.
Phê bình là thấy ai (cá nhân, cơ quan, đoàn thể) có khuyết điểm thì thành khẩn nói cho họ biết để họ sửa chữa, để họ tiến bộ.
Mục đích của tự phê bình và phê bình đều nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, cùng nhau tiến bộ[1].
Từ định nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình cần chú ý:
Thứ nhất, chủ thể của hoạt động tự phê bình và phê bình trong Đảng là mọi đảng viên của Đảng, là tất cả các tổ chức trong Đảng.
Thứ hai, hoạt động tự phê bình và phê bình diễn ra trong sinh hoạt đảng. Chỉ trong sinh hoạt đảng thì đảng viên mới được lấy tư cách là đảng viên để phê bình đồng chí của mình và phê bình các tổ chức của Đảng.
Thứ ba, tự phê bình và phê bình nhằm giáo dục rèn luyện đảng viên. Thông qua tự phê bình và phê bình làm cho nội bộ tổ chức đảng mạnh lên, đoàn kết thống nhất được củng cố, chống chia rẽ, bè phái.
1. Cơ sở lý luận, thực tiễn của nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng
Xuất phát từ quy luật phát triển của đảng cộng sản:
C.Mác khẳng định: “Những sai lầm về sách lược là lúc nào cũng có thể có”, do vậy “sự phê phán là yếu tố sống còn của nó”[2].
Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cho rằng: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm”. Do vậy, trong quá trình xây dựng Đảng và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng tự phê bình và phê bình: “Phải làm cho vũ khí tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên, thật sự trở thành vũ khí sắc bén của toàn Đảng, làm cho tự phê bình và phê bình thật sự là một quy luật phát triển của Đảng”[3].
Xuất phát từ vai trò, tác dụng của tự phê bình và phê bình đối với giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên; củng cố và tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng:
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng phải giải quyết nhiều vấn đề mới phức tạp, cán bộ, đảng viên không thể nắm bắt, nhận thức đầy đủ và sâu sắc ngay được những vấn đề mới đang hàng ngày, hàng giờ nảy sinh trong xã hội, vì vậy thường khó tránh được sai lầm, khuyết điểm.
Thông qua tự phê bình và phê bình mới có thể chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới sai lầm, khuyết điểm và đề ra biện pháp khắc phục. Qua đó, giáo dục, rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực công tác của cán bộ, đảng viên để họ trở thành những cán bộ, đảng viên tốt, đồng thời giúp cho những cán bộ, đảng viên khác tránh những sai lầm, khuyết điểm tương tự.
Tự phê bình và phê bình còn là biện pháp tích cực để củng cố và tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng. Nhờ tự phê bình và phê bình nghiêm túc, đúng đắn mà những mâu thuẫn, bất đồng, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân được giải quyết có lý, có tình, không để tích tụ lại từ nhỏ thành lớn, phá hoại khối đoàn kết thống nhất của Đảng, không để những người thiếu thiện chí với Đảng lợi dụng những bất đồng, những mâu thuẫn đó gây chia rẽ Đảng.
Xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và hoạt động thực tiễn của Đảng Cộng sản Việt Nam:
Trong quá trình hoạt động của mình, nhờ thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình, Đảng ta đã sửa chữa kịp thời nhiều sai lầm, khuyết điểm, làm cho Đảng ngày càng lớn mạnh, vượt qua những thử thách quyết liệt, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trái lại, kinh nghiệm lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam và phong trào cộng sản thế giới cho thấy, khi đảng cộng sản nào xa rời nguyên tắc tự phê bình và phê bình thì sẽ mắc bệnh kiêu ngạo cộng sản, rơi vào các sai lầm tả khuynh hoặc hữu khuynh nguy hiểm.
2. Tính chất của tự phê bình và phê bình trong Đảng
Một là, tính đảng:
Tính đảng của tự phê bình và phê bình có nghĩa là phải trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, Cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, trên cơ sở các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng để tự phê bình và phê bình; phải đấu tranh không khoan nhượng với những tư tưởng và hành động sai trái; không chấp nhận tính thụ động, bàng quan với những sai lầm, khuyết điểm của bản thân và của đồng chí mình.
Tính đảng của tự phê bình và phê bình đòi hỏi phải đối chiếu với yêu cầu tư cách, tiêu chuẩn đảng viên, cán bộ và những quy định của Đảng để tự phê bình và phê bình.
Hai là, tính giáo dục:
Tự phê bình và phê bình của Đảng Cộng sản nhằm mục đích chính là củng cố Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, phong cách công tác, phát triển trí tuệ, nâng cao năng lực của cán bộ, đảng viên... Đây là những điểm thể hiện rõ nhất tính giáo dục sâu sắc của tự phê bình và phê bình của Đảng Cộng sản.
Ba là, khách quan, trung thực, chân thành và công khai:
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "TỰ PHÊ BÌNH LÀ GÌ? Là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa"[4]. Khi phê bình phải tôn trọng thực tế khách quan, không vội vàng quy kết cho đồng chí mình. Phê bình như chữa bệnh cứu người, cho nên phải chân thành, phải thân ái, trên tình đồng chí, không dùng những lời mỉa mai, tránh biến tự phê bình và phê bình thành những cuộc cãi vã, vi phạm nhân phẩm của cán bộ, đảng viên.
Tự phê bình và phê bình công khai có nghĩa là công khai nói rõ những ưu điểm, khuyết điểm của mình và của đồng chí mình, phân tích, xem xét, đánh giá mọi công việc của tổ chức đảng trước mặt cán bộ, đảng viên và tiến hành trong tổ chức đảng. Không phê bình trước mặt mà nói sau lưng, đó là việc làm không trong sáng.
Bốn là, cụ thể, thiết thực và kịp thời:
Tự phê bình và phê bình cụ thể, thiết thực là phải có nội dung, có địa chỉ, phải chỉ ra được đúng, sai, nguyên nhân và cách khắc phục, phải gắn với điều kiện cụ thể của từng tổ chức Đảng và từng cán bộ, đảng viên, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, với chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên.
Tính kịp thời của tự phê bình và phê bình tức là phải tự phê bình và phê bình ngay những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên và của tổ chức Đảng, không để chúng tích tụ lại, trầm trọng thêm, ngăn chặn không để chúng tái diễn ở cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng khác.
[1]Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 222.
[2]C.Mác-Ph.Ăng-ghen: Tuyển tập, t. 6, Nxb Sự thật, H. 1980, tr. 707.
[3]Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng (tại Đại hội IV), Nxb Sự thật, H., 1977, tr. 97.
[4]Sđd, t. 6, tr. 209.
Quốc Lâm