Thực tế cho thấy, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát ở các tỉnh phía Nam, đã bộc lộ hàng loạt vấn đề bức xúc về nhà ở cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp. Khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhiều KCN, KCX, CCN tạm ngừng và đóng cửa dây chuyền sản xuất, đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn, không đủ tiền để thuê nhà ở… nên phải gồng gánh về quê, tạo ra những di biến động lớn trong đời sống xã hội.
Việc thiếu nhà ở cho công nhân gần các KCN, KCX, CCN khiến cuộc sống của người lao động bấp bênh và các DN cũng khó giữ chân người lao động lâu dài. Giải quyết được vấn đề nhà ở cho công nhân, DN sẽ có lực lượng lao động ổn định, tăng năng lực cạnh tranh, kích thích phát triển sản xuất, tiêu dùng, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và góp phần ổn định an ninh trật tự, giảm tệ nạn xã hội tại các địa phương. Nhiều chuyên gia cho rằng, để đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng cao của công nhân, các DN nên học tập mô hình ký túc xá, khu dân cư cho người lao động nhập cư. Thay vì bố trí các căn hộ 50-70m2, các chủ đầu tư có thể thiết kế xây dựng thành các phòng 25-30m2 (căn hộ một phòng ngủ, một nhà vệ sinh và một phòng ăn, khách) với giá khoảng 300-500 triệu đồng/căn; hợp với túi tiền và khả năng của nhiều người lao động.
Theo kết quả khảo sát mới đây, có tới hơn 65% công nhân trong các KCN, KCX, CCN là người từ các địa phương khác nhập cư, trong khi nhà ở cho người lao động chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu thuê, mua. Mặc dù, Nhà nước đã có cơ chế và các quy định dành quỹ đất để triển khai các dự án nhà ở cho công nhân tại các KCN, KCX, CCN, nhưng đến nay, việc triển khai thực hiện nhà ở cho công nhân tại các địa phương, các DN vẫn còn trì trệ. Thậm chí, hiện đang tồn tại thực trạng đáng buồn tại nhiều KCN: Không bố trí đất xây nhà cho công nhân, cắt phần đất xây dựng nhà ở để làm kho bãi, nhà xưởng cho thuê. Chưa kể, nhiều quy định liên quan tới việc phát triển KCN đã được đổi mới và luật hóa, nhưng việc xây dựng nhà ở cho công nhân trong các KCN vẫn chưa có tiến triển, thủ tục và quy trình xây dựng vẫn còn rất nhiêu khê. Bên cạnh đó, nhiều DN chưa quan tâm đúng mức vấn đề phát triển nhà ở, ổn định nơi cư trú và an sinh xã hội cho công nhân.
Thời gian qua, nhiều chính sách, giải pháp chăm lo chỗ ở cho công nhân tại Vùng trọng điểm kinh tế phía Nam đã và đang được các ban, ngành, địa phương, DN thực hiện, trong đó có việc nỗ lực hoàn thành các dự án nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội (NƠXH) cho người lao động có thu nhập thấp; nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thuê, mua của người lao động.
Tại tỉnh BR-VT, 9 dự án NƠXH cho người lao động có thu nhập thấp đã hoàn thành với tổng diện tích khoảng 150.000m2 sàn, tương đương 1.599 căn hộ. Nhà ở cho công nhân tại các KCN, CCN có 14 dự án hoàn thành với tổng diện tích 120.386m2 sàn, tương đương 1.746 căn hộ. Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 30,7m2 sàn/ người; trong đó, diện tích NƠXH cần tăng thêm khoảng 598.000m2 sàn, tương đương 8.329 căn (gồm: Nhà ở cho công nhân tăng khoảng 246.900m2 sàn, tương đương 4.198 căn; nhà ở cho người thu nhập thấp tăng 351.000m2 sàn, tương đương 4.131 căn).
Để công nhân, người lao động tại các KCN, KCX ổn định cuộc sống lâu dài, yên tâm sản xuất, cần có sự chung tay, đồng lòng và quyết tâm lớn của chính quyền địa phương và các DN trong việc giải quyết nhà ở cho người lao động. Và, để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cần có các cơ chế, giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các DN tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Muốn vậy, cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính… để huy động các DN kinh doanh bất động sản, DN sử dụng nhiều lao động và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân tại các KCN, KCX, CCN.
Lê Hoàng