Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là sự kết tinh giá trị phổ quát của nhân loại với lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với tình hình Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) chú trọng thực hiện Hiến pháp và pháp luật, coi trọng vai trò quản lý của Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đó là nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, là nhà nước kiểu mới về bản chất, khác hẳn với các kiểu nhà nước từng có trong lịch sử. Điều 2, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Bản chất nhà nước được hiểu là tổng hợp những mặt, những mối liên hệ, những thuộc tính tất nhiên, tương đối ổn định bên trong nhà nước, quy định sự tồn tại, phát triển của nhà nước; bản chất của nhà nước được khẳng định là một trong những "vấn đề rất cơ bản, rất mấu chốt trong toàn bộ chính trị", bởi vì nó liên quan tới lợi ích chính trị của giai cấp thống trị. Bản chất nhà nước sẽ cho thấy nhà nước của ai, do ai, vì ai. Trong bối cảnh hiện nay, xuất hiện nhiều quan điểm phủ nhận tính giai cấp của nhà nước hoặc phủ nhận việc Nhà nước Việt Nam có bản chất của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân… thì việc tìm hiểu bản chất của nhà nước theo quan điểm khoa học không chỉ có ý nghĩa nhận thức lý luận mà còn có giá trị thực tiễn to lớn, nhất là đối với Nhà nước Việt Nam hiện nay trong việc hoạch định chủ trương, chính sách, pháp luật để xây dựng nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Vai trò của Nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Chính vì vậy, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã dành các mục viết về "Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam", và mục "Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng", bởi vì: Bất cứ nhà nước nào cũng được hình thành trong những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định và tồn tại, phát triển được cũng nhờ vào những cơ sở kinh tế - xã hội ấy; cơ sở xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhân dân Việt Nam mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức; mang bản chất giai cấp, bản chất xã hội, bản chất dân chủ, Nhân dân có quyền giám sát, phản biện xã hội và quyền tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước thông qua các tổ chức của mình, đồng thời thực thi các quyền dân chủ trực tiếp của mình: Điều 5 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam...”; Điều 6 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.
Trên thế giới, từ kiểu nhà nước tư bản chủ nghĩa trở về trước, quan hệ giữa nhà nước và công dân là mối quan hệ lệ thuộc. Ở Việt Nam ngày nay, khi quyền lực thuộc về nhân dân thì quan hệ giữa nhà nước và công dân đã thay đổi, công dân có quyền tự do dân chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời làm tròn nghĩa vụ trước nhà nước. Dân chủ hóa đời sống nhà nước và xã hội không chỉ là nhu cầu bức thiết của thời đại mà còn là một đòi hỏi có tính nguyên tắc, nảy sinh từ bản chất dân chủ của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dân chủ bao giờ cũng gắn với pháp luật, đó là bản chất của nhà nước pháp quyền. Cơ quan nhà nước “chỉ được làm những điều pháp luật cho phép” bảo đảm và phát triển quyền tự do dân chủ của Nhân dân, còn Nhân dân “được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”.
Vai trò của Nhân dân trong xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay rất quan trọng; là chủ thể của khối đại đoàn kết dân tộc; là động lực quan trọng, tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
VTĐ