Với một “thế giới ảo”, với sự “giả mạo”, “ẩn danh”, “thật giả lẫn lộn”, việc phân biệt rõ “bạn” - “thù” không đơn giản, đôi khi rất khó để phân định rạch ròi “bạn” và “thù”. Làm thế nào để phân biệt rõ đâu là âm mưu, thủ đoạn chống phá của thế lực thù địch (thù) và đâu là ý kiến quần chúng nhân dân, tình cảm yêu nước (bạn) để tìm ra những cách thức, biện pháp đấu tranh phù hợp và hiệu quả là vấn đề quan trọng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Bạn” được hiểu là: Đối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn”; Đối với mình, những tư tưởng và hành động có lợi ích cho Tổ quốc, cho đồng bào là bạn. “Thù” được hiểu là: Đối với người, bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù; Đối với mình, những tư tưởng và hành động có hại cho Tổ quốc và đồng bào là kẻ thù. Muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù, phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù. Không nắm rõ, hiểu rõ, phân biệt rõ bạn và thù là một “sai lầm nghiêm trọng”. Có những người thực sự là “bạn”, có những kẻ chắc chắn là “thù”, nhưng cũng sẽ có những người chưa phải “thù” nhưng cũng không hẳn là “bạn”, hay có những người không còn là “bạn” nhưng chưa chắc đã là “thù”. Chẳng những ở ngoài, mà chính ở trong mình ta cũng có bạn và thù” trong nhận thức và hành động. “Phải ra sức tăng cường bạn ở trong và ở ngoài, kiên quyết chống lại kẻ thù ở ngoài và ở trong mình ta”.
Nhận diện “bạn” - “thù” trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội ở nước ta hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng rất khó khăn và phức tạp. Đây là là việc nhận thức rõ, hiểu rõ về đặc điểm, bản chất, nhu cầu, nguyện vọng, tư tưởng, hành động, mục tiêu, phương thức hoạt động của “bạn” và “thù” trên mạng xã hội. Nắm rõ, hiểu rõ về “thù” để có những biện pháp phù hợp để đấu tranh, chiến thắng, hoặc thuyết phục họ thành những người “bạn” của ta. Hiểu rõ về “bạn” để phát huy thế mạnh và khắc phục điểm yếu của chính mình, để tránh cái “thù” len lỏi trong mỗi người, để chiến thắng chính bản thân mình, nâng cao ý thức tự rèn luyện, tự học hỏi, tự phê bình ở mỗi con người. Hiểu rõ “bạn” - “thù” là để xử lý “đúng người”, “đúng tội”, đấu tranh đúng đối tượng, tránh “áp đặt”, “quy chụp”, cực đoan làm đánh mất “bạn”. Hiểu rõ “bạn” - “thù” là để “thêm bạn, bớt thù”, vận động, thuyết phục, lôi cuốn những người từ “chưa tin”, “chưa yêu” trở thành những người yêu nước, có niềm tin vào chính quyền, vào Đảng, vào chế độ. Đồng thời, nắm rõ sự đan xen, đấu tranh, thống nhất và chuyển hóa trong mối quan hệ giữa “bạn” - “thù” nhằm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội một cách hiệu quả,
Đối với “thù” - các thế lực thù địch, phản động, việc nhận diện chúng trên mạng xã hội không khó, nhưng để đấu tranh, xử lý thì không dễ và khó triệt để. Đây là những đối tượng có sự đối lập về hệ tư tưởng và thù địch về chính trị, có tư tưởng thù hận, cái nhìn cực đoan, phiến diện về đất nước và chế độ chính trị của chúng ta, có ý thức hệ đối lập với chủ nghĩa xã hội. Một số khác từng là cán bộ, trí thức có trình độ, có chức vụ trong bộ máy Đảng, Nhà nước nhưng bị tha hóa, suy thoái về ý thức chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng, phản bội lại Đảng, đất nước và nhân dân. Với số đối tượng này, trên cơ sở nhận rõ nội dung, phương thức, thủ đoạn sử dụng để phát tán quan điểm sai trái, thù địch, cần có những biện pháp đấu tranh, xử lý mạnh mẽ, dứt khoát, trên cơ sở hành lang pháp lý về quản lý mạng xã hội ngày càng được hoàn thiện. Tăng cường hơn nữa các biện pháp đấu tranh chuyên biệt để làm trong sạch không gian mạng.
Đối với “bạn” - những người tích cực đấu tranh vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, thời gian qua, rất nhiều nhóm, hội, tài khoản, trang mạng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ được lập ra để đưa những thông tin chính thức, được kiểm chứng, đáng tin cậy; nhiều nhóm, hội, fanpageyêu nước, chống phản động cũng ra đời; hàng triệu các tài khoản cá nhân đã tham gia bình luận, chia sẻ để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, thù địch, bảo vệ lợi ích của nhân dân, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Lực lượng “bạn” này cần liên tục tăng cường thông tin, tuyên truyền cho phù hợp với đối tượng. Bên cạnh những sản phẩm mang tính phản biện, phân tích sâu sắc, thấu đáo về những vấn đề lý luận, thực tiễn “nóng bỏng” đang đặt ra, cần tăng cường những sản phẩm tuyên truyền một cách ngắn gọn, súc tích, thông tin tích cực, thông điệp ngắn gọn, hình ảnh sinh động… để thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Tăng cường tuyên truyền, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, những thành tựu đã đạt được, tính nhân văn, ưu việt của chế độ, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đồng thời, hạn chế tối đa cách thức, nhận thức và ứng xử chưa thật sự phù hợp, đúng đắn và cẩn trọng trên mạng xã hội. Bởi, chỉ một vài lần đăng tải thông tin, bình luận “lệch chuẩn”, thiếu căn cứ, phiến diện, quan điểm cá nhân chưa đúng đắn thì sẽ làm cho người theo dõi nghi ngờ và đặt dấu hỏi về độ chân thực của công cụ truyền thông, thậm chí còn bị tẩy chay. Hạn chế thái độ và hành động yêu nước, chống phản động một cách cực đoan, thái quá vì sẽ gây tác dụng ngược, trở thành cái cớ để các đối tượng lợi dụng phản tuyên truyền. Hạn chế tối đa việc vô tình chia sẻ, lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng.
Đối với những người không phải “thù” nhưng cũng không hẳn là “bạn”. Đây là những người có lập trường không rõ ràng, chưa có nhận thức đúng đắn và niềm tin vào Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa, dễ hoang mang, dao động. Một bộ phận khác ít quan tâm đến thời cuộc, thờ ơ với tình hình chính trị, kinh tế và các sự kiện của đất nước, chỉ quan tâm lợi ích của bản thân; khi tiếp cận với các thông tin trái chiều, tiêu cực, xấu - độc, tin giả trên mạng xã hội (vốn “giật gân”, “hot”) thì rất dễ tin theo, chia sẻ, bình luận để “câu like”, “tăng view”, tăng tương tác. Một số người là công dân tốt, thậm chí là người có chức vụ trong cơ quan Đảng, Nhà nước, nhưng sau khi gặp “sự cố”, hay bất bình vì một sự việc nào đó bị tiêm nhiễm tư tưởng sai trái lại trở nên bất mãn, “hằn học”, tiêu cực. Nhóm này cũng chiếm tỷ lệ không ít trong số cư dân mạng xã hội. Sự bày tỏ, lan truyền nội dung, tương tác trên mạng xã hội của nhóm này, do đó, thường chưa mang tính khách quan, chưa phản ánh đúng đắn, đầy đủ bản chất của vấn đề, vô hình chung lại “đẩy nóng” những sự việc phức tạp, trở thành cái cớ bị các thế lực phản động lợi dụng chống phá chế độ, Với nhóm này, phải linh hoạt, mềm dẻo, giúp cho họ hiểu, nhận thức đúng đắn vấn đề, định hướng cho họ con đường đúng đắn, tránh “quy chụp” họ là “phản động”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hay “phản động”.
Trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, cần phải luôn tỉnh táo, sáng suốt; luôn đề cao lợi ích của nhân dân, của Đảng và Tổ quốc lên trên hết; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ công nghệ thông tin, am hiểu luật pháp. Điểm mấu chốt là, cần tránh việc đưa quan điểm và cảm xúc cá nhân vào xử lý, giải quyết công việc, không được “tùy tiện”, “quy chụp”, “gặp đâu nói đó”… Có như vậy, mới có thể nhận diện rõ “bạn” - “thù” và cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng mới đạt kết quả./.
N.T.N