1. Nhận diện bản chất, động cơ, biểu hiện của những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh
Các thế lực thù địch, phản động tăng cường chống phá Chủ nghĩa Mác – Lênin – nguồn gốc quan trọng nhất hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh. Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, phong trào cộng sản rơi vào thoái trào; các thế lực thù địch càng được dịp đẩy mạnh tuyên truyền về “sự cáo chung” của học thuyết Mác, của chủ nghĩa xã hội và khẳng định về tương lai vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản. Đồng thời, các thế lực thù địch cho rằng, nếu chúng thành công trong việc xuyên tạc và hạ bệ “thần tượng Hồ Chí Minh”, thì Việt Nam sẽ không chỉ mất đi “tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá”, mà còn mất đi chất keo “kết dính” toàn Đảng và sự gắn kết giữa Đảng với nhân dân. Khi công cuộc đổi mới ở nước ta ngày càng giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử thì những luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam ngày càng gia tăng với cách thức chống phá rất tinh vi, xảo quyệt.
Một động cơ khác là lợi ích kinh tế và động cơ chính trị bất chính. Vì tiền, một số phần tử sẵn sàng bán rẻ lương tâm và lòng tự trọng, trở thành “bồi bút” cho các thế lực thù địch, phản động làm phương thức kiếm sống của mình. Một số phần tử cơ hội, cơ hội chính trị có thái độ bất mãn, nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ ta; cắt xén, thêm bớt tư liệu, xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh. Một số đối tượng có động cơ chính trị đen tối, với mục đích gây hoang mang, mơ hồ về chính trị của các tầng lớp nhân dân; phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng; gây mất ổn định chính trị, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Thủ đoạn xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh rất phong phú, đa dạng, ngày càng tinh vi và khó nhận biết. Họ vu khống, dựng chuyện, ngụy tạo tài liệu, phủ định các sự kiện, quan điểm khoa học đúng đắn về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bóp méo, cắt xén, xuyên tạc sự thật và nhận thức về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cố tình đánh tráo khái niệm, trộn lẫn thật - giả, “xôi đỗ” - nửa khen, nửa chê. Một mặt, chúng tỏ ra khách quan, tôn trọng, thậm chí là “tôn vinh” Hồ Chí Minh; mặt khác, lại “khéo léo” lồng ghép các quan điểm cá nhân xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh và tư tưởng Hồ Chí Minh. Một thủ đoạn nguy hiểm là so sánh, đối lập cực đoan giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin; giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với quan điểm, đường lối của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước, giữa Hồ Chí Minh với các lãnh đạo tiền bối của Đảng. Những thủ đoạn nguy hiểm trên nhằm xuyên tạc, phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam mà chúng ta đang tích cực xây dựng.
2. Đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh
Các thế lực thù địch cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là nhà tư tưởng, không có “tư tưởng Hồ Chí Minh”, vì xét về nội dung thì Hồ Chí Minh chủ yếu chỉ tổng hợp, sắp xếp, diễn đạt lại các quan điểm của người khác hoặc trích ca dao, tục ngữ chứ không có tư tưởng của riêng mình; xét về hình thức thì Hồ Chí Minh gần như không hề có tác phẩm nào xứng tầm chuyên bàn về lý luận như các nhà tư tưởng khác. Chúng quy chụp rằng việc đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào Văn kiện Đại hội VII của Đảng (năm 1991) và Hiến pháp năm 1992 là do “chủ nghĩa Mác - Lênin đã hết thời”, Đảng “bấu víu” vào tư tưởng Hồ Chí Minh để trấn an nhân dân và cán bộ, đảng viên.
Thực tế là, mặc dù Hồ Chí Minh cũng tự nhận mình không phải là nhà tư tưởng, nhưng thực tế thì trong quá trình hoạt động cách mạng, tư tưởng của Người đã dần được hình thành và được bạn bè thế giới công nhận. Tổ chức UNESCO khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là hiện thân khát vọng của các dân tộc trong việc bảo vệ bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho sự thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau”. Đảng ta khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, tiêu biểu là tư tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với nội dung cốt lõi là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Nhiều nhà khoa học, nhà lãnh đạo, các tổ chức tiến bộ trên thế giới đã thừa nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng, với tầm ảnh hưởng sâu rộng tới cách mạng Việt Nam, tới lương tri của nhân loại và nhân dân tiến bộ thế giới; những thành tựu to lớn mà cách mạng Việt Nam đạt được đã củng cố vững chắc điều này.
Chủ nghĩa Mác - Lênin có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu lý luận Mác - Lênin theo hướng cốt nắm lấy cái tinh thần, cái bản chất để vận dụng cho phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam; mặt khác, làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác - Lênin trong những điều kiện lịch sử mới. Điển hình như mối quan hệ giữa cách mạng vô sản ở các nước tư bản và cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa; giải quyết vấn đề dân tộc và giai cấp tại Việt Nam... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu những luận điểm mới mẻ, đầy sáng tạo khi nói về quy luật hình thành Đảng Cộng sản, bản chất của Đảng trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu, xây dựng Đảng cầm quyền.
Một luận điệu “quen thuộc” của các thế lực thù địch, phản động là đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối của Đảng. Một mặt, chúng cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh khác và đối lập với chủ nghĩa Mác - Lênin về bản chất. Mặt khác, chúng “tôn vinh” tư tưởng Hồ Chí Minh để hạ thấp giá trị và vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với cách mạng Việt Nam với ngụy biện rằng chủ nghĩa Mác - Lênin từng có giá trị nhưng đã bị lịch sử vượt qua hoặc cho dù chưa bị lịch sử vượt qua thì cũng chỉ phù hợp với các nước phương Tây, còn tư tưởng Hồ Chí Minh mới phù hợp với Việt Nam, chỉ cần theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bỏ qua chủ nghĩa Mác-Lênin”. Thực chất của luận điệu trên chính là để phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh từ nguồn gốc hình thành, hướng lái dư luận hoài nghi về bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, gây ra tâm lý hoang mang, dao động, chia rẽ sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức trong Đảng, làm giảm sút niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Sâu xa hơn nữa, chúng muốn phủ nhận nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, muốn Việt Nam thay đổi chế độ chính trị, thực hiện đa nguyên, đa đảng, từ bỏ mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Cả hai quan điểm này đều là không đúng cả về lịch sử và lôgic. Tư tưởng Hồ Chí Minh thống nhất với chủ nghĩa Mác - Lênin về bản chất chứ không hề có sự mâu thuẫn, đối lập như suy luận, xuyên tạc một số người. Chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn gốc quan trọng dẫn tới việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo, phát triển và làm phong phú chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện lịch sử mới.
Các thế lực thù địch còn xuyên tạc, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với đường lối của Đảng, cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay cũng đã thoái hóa, biến chất, khác xa với lý tưởng, khát vọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng làm ra vẻ khách quan khi dùng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh làm “hệ quy chiếu” để đánh giá, phát xét Đảng. Đề cao và đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ trương của Đảng để chống phá Đảng là thủ đoạn rất tinh vi và nguy hiểm, như viên đạn bọc đường, vì nó có thể gây hoang mang, mất niềm tin, chia rẽ nội bộ; đặc biệt, nó có thể làm một bộ phận dân chúng, thậm chí là ngay cả các nhà khoa học, những trí thức vốn rất tin và kính trọng Hồ Chí Minh cũng có thể trở nên bất mãn, mất niềm tin vào Đảng, vào chế độ hiện nay.
Một luận điệu khác phủ nhận giá trị thực tiễn và sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay, ra sức phủ nhận sự cần thiết và hiệu quả của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà cố tình không hiểu rằng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là học cái tinh túy trong tư tưởng, phương pháp, phong cách của Người để vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào trong thực tiễn như chính trước đây Hồ Chí Minh đã học tập, vận dụng sáng tạo thành công chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam. Do đó, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện là chủ trương đúng đắn của Đảng, hợp với lòng dân và có giá trị thiết thực trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh chính là nhằm bảo vệ nội dung và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần vào bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh hiện nay. Để việc đấu tranh thực sự thuyết phục, thì chúng ta phải nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; có cái nhìn khách quan, “tôn trọng sự thật lịch sử”, không được chủ quan, áp đặt, thiên kiến hoặc máy móc. Chúng ta cũng cần phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại chính mình trước những luận điệu xuyên tạc đó để bổ sung và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh lên một tầm cao mới, phù hợp với thực tiễn phát triển của thế giới và Việt Nam hiện nay./.
N.X.T