Nhận diện thủ đoạn
“Đánh tráo khái niệm” là thuật ngữ chưa xuất hiện chính thức trong từ điển Tiếng Việt và cả tiếng Anh, tuy nhiên trong những năm gần đây thuật ngữ này được sử dụng khá phổ biến trong các cách nói thông dụng hằng ngày. Đánh tráo khái niệm được hiểu là hành động thay thế một khái niệm này bằng một khái niệm khác, khiến người tiếp cập hiểu sai về bản chất khách quan vốn có của sự vật, hiện tượng nhằm đạt một mục đích (thường là xấu) của người muốn đánh tráo.
Mặc dù nước ta đã có Luật An ninh mạng và đã có nhiều giải pháp quản lý nhưng không gian mạng xã hội vẫn là nơi ẩn chứa rất nhiều mối nguy, các vấn đề phát sinh khó lường từ thủ đoạn đánh tráo khái niệm. Những tin thất thiệt trên các trang mạng xã hội dễ gây ra sự hoang mang trong dư luận, tạo nên sự hiểu nhầm của người dân, sự hoài nghi vào đường lối lãnh đạo, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Nhận diện các mối nguy từ việc đánh tráo khái niệm từ các trang mạng xã hội, từ đó tìm ra những biện pháp phù hợp để đối phó hiệu quả là một trong các nhiệm vụ cần thiết phục vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta trong tình hình mới.
Từ khi mạng xã hội bùng nổ, có thể dễ dạng nhận ra các “nhà…” tự phong như “nhà tư tưởng”, “nhà triết lý”, “nhà nghiên cứu”, “nhà phê bình”… xuất hiện dày đặc trên các trang như Facebook, Youtube,… với những chiêu bài đánh tráo khái niệm nhằm đạt các mục đích sai trái. Họ phủ nhận gần như hoàn toàn những thành tựu mà Việt Nam đạt được trên nhiều lĩnh vực (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,…) nhằm bác bỏ công lao xây dựng đất nước của Đảng và Nhà nước ta; chống phá nền tảng tư tưởng và chế độ chính trị - xã hội tại Việt Nam, xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền; kêu gọi cải cách chính trị để tiến tới một nền dân chủ đa nguyên, đa đảng, thiết lập quyền tự do phát ngôn, ra báo tư nhân, lập đảng, lập hội, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang...
Các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền những thông tin xấu, độc nhằm định hướng tư tưởng của giới trẻ, làm cho một bộ phận giới trẻ bị mơ hồ, lệch lạc, a dua, bị lôi kéo, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thông qua việc đăng những bài “nghiên cứu” về các vấn đề ở Việt Nam, trong đó chứa những thông tin lấp lửng, chưa được kiểm chứng thực tế, nhằm định hướng sai lệch trong nhận thức của bộ phận học sinh, sinh viên, trí thức và cán bộ, Đảng viên. Cổ xúy để một số thanh niên Việt Nam thiếu hiểu biết, quay lại những video vi phạm pháp luật để đăng tải lên các trang mạng xã hội, sau đó lôi kéo những người khác cùng tham gia hoặc hành động tương tự, họ cho đó là “dũng cảm”, “dám đương đầu với thử thách”…. đây là thủ đoạn vô cùng thâm độc, gây tác động xấu đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm các thế hệ trẻ ở Việt Nam – những mầm xanh tương lai của đất nước.
Một số biện pháp đối phó
Từ việc nhận diện mối nguy của hành động đánh tráo khái niệm của các thế lực thù địch, trước hết, cần áp dụng hiệu quả Luật An ninh mạng vào xử lý các tình huống cụ thể. Tăng cường công tác quản lý bằng chế tài (đủ sức răn đe) đối với những người cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, cần quan tâm sâu sát với công tác tổ chức và biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luả các kĩ năng nhận diện, tìm kiếm, biên tập và đăng bài phản bác những luận điểm đánh tráo khái niệm cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, nhất là các người trực tiếp tham gia trên mặt trận này. Luôn đổi mới cách thức và cập nhật nội tuyên truyền nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội để nhiều người có thể tiếp.
Cần giải quyết nhanh chóng và nhất quán các sự việc “nóng, có tính nhạy cảm”, đồng thời đấu tranh phản bác trên mạng xã hội và các công cụ truyền thông. Hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý về quản lý mạng xã hội phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế và văn hóa, luật pháp của Việt Nam.
Từ khi mạng xã hội xuất hiện ở nước ta, tần suất và mức độ sử dụng thủ đoạn đánh tráo để chia rẽ khối đại đoàn đoàn kết toàn dân tộc, phổ biến những luận điểm sai trái, định hướng dư luận, lôi kéo giới trẻ…. xuất hiện ngày càng dày đặc hơn.Nhận diện mối nguy trên các trang mạng xã hội về thủ đoạn đánh tráo khái niệm và có những biện pháp ứng phó phù hợp luôn là nhiệm vụ hàng đầu của người cán bộ đảng viên./.
PV