Nguồn mạch của sức mạnh được bắt đầu từ những truyền thuyết lịch sử rất xa xưa; là mối tình đặc biệt của Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, sinh ra một trăm người con… 50 người con theo cha xuống biển, khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi, 49 người con theo mẹ lên núi, khai sơn phá thạch phát triển kinh tế và giống nòi. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu xưng Vương lấy quốc hiệu Văn Lang từ thủa đó…
Theo dòng chảy của thời gian và những chứng cứ lịch sử đã chứng minh 18 đời Vua Hùng kế tiếp nhau “Vua tôi” uống chung dòng nước mát từ nguồn sông Cái; Vua dạy dân cấy lúa, gieo hạt, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải… Chống chọi với thiên nhiên, giặc giã để giữ gìn, phát triển Nhà nước Văn Lang hưng thịnh. Kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ của thời đại Hùng Vương để lại cho chúng ta hôm nay là vô giá; khẳng định thời đại Hùng Vương là tất yếu lịch sử.
Nối tiếp truyền thống quật cường của cha ông trong suốt mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, với sự gắn kết cộng đồng của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Nhân dân ta đã anh dũng, kiên cường, đoàn kết, thủy chung dưới cờ bách chiến, bách thắng của Đảng và Bác Hồ đã làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất tháng Tám năm 1945 khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; làm nên một Điện Biên Phủ lịch sử 7/5/1954; một đại thắng mùa Xuân 30/4/1975 thống nhất đất nước…
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ngày vui đại thắng tuy Bác đã đi xa nhưng trong trái tim mỗi người dân đất Việt vẫn “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”; lời Bác “Đồng bào nghe tôi nói có rõ không?” sao mà thân thương, trìu mến, gần gũi như máu thịt của mình. Chỉ có tình yêu giống nòi từ trong ruột bọc mà ra mới hiểu hết sự thiêng liêng, sâu lắng của hai tiếng đồng bào. Phải chăng đó là nguồn mạch của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được hun đúc, bắt nguồn từ vùng đất Cội nguồn, từ những tinh hoa giá trị tinh thần mà các Vua Hùng đã tạo dựng.
Mùng mười tháng ba âm lịch, dù ở đâu, đi đâu, lòng mỗi người vẫn khôn nguôi nhớ về ngày Giỗ Tổ, hành hương về đất Cội nguồn để thắp nén hương thơm, thành kính tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.
Giỗ Tổ Hùng Vương năm Tân Sửu 2021 là năm thứ hai nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ và nhân dân cả nước chưa được mở hội Đền Hùng theo phong tục truyền thống do đại dịch COVID vẫn đang bùng phát trên toàn cầu… Song Đảng bộ chính quyền nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn hướng về ngày Giỗ tổ chuẩn bị chu đáo mọi nghi lễ: Dâng hương hoa các sản vật truyền thống cho ngày Giỗ Tổ 10/3. Tỉnh Phú Thọ thay mặt nhân dân cả nước thắp hương tưởng niệm các Vua Hùng trên đỉnh cao Nghĩa Lĩnh.
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”
Câu ca ấy như một lời thề trong sâu thẳm mỗi trái tim con dân đất Việt; ẩn chứa cả một thế giới tâm linh sâu nặng nghĩa tình.
Theo Báo Phú Thọ