Để hướng dẫn việc thực hiện Quy định 37-QĐ/TW, ngày 29/11/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ươngđã ban hành Hướng dẫn số02-HD/UBKTTW. Theo đó, tại điều “không được làm” thứ bảy - “Điều 7. Tổ chức, tham gia các tổ chức, hội trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; biểu tình, tụ tập đông người gây mất trật tự, an ninh”, Hướng dẫn 02-HD/UBKTTW chỉ rõ đảng viên không được:
1. Tổ chức, tham gia hoặc ủng hộ, vận động, xúi giục, ép buộc người khác tham gia các tổ chức, hội, nhóm, câu lạc bộ, diễn đàn,... không đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
2. Tổ chức, tham gia hoặc xúi giục, kích động, lôi kéo, tuyên truyền, vận động, tiếp tay, ép buộc người khác tham gia biểu tình, tụ tập đông người trái quy định của pháp luật, gây mất an ninh, trật tự.
Vì sao và cần làm gì để đảng viên không vi phạm quy định trên?
Trước hết, vì đảng viên có nhiệm vụ: “Chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước” (Điều 2, Điều lệ Đảng). Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền, chủ trương tôn trọng, bảo vệ quyền công dân được đưa vào quá trình xây dựng pháp luật của Nhà nước. Theo đó, quyền công dân trong việc tổ chức, tham gia hội nhóm hay biểu tình đã được hiến định. Đồng thời, quyền luôn đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm.
Hiến pháp 1946 khẳng định: “Công dân Việt Nam có quyền (...) tự do tổ chức và hội họp” (Điều thứ 10). Luật Quy định quyền lập hội (Luật số 102-SL/L-004 ngày 20/5/1957), ghi rõ: “Quyền lập hội của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm” (Điều 1); “Mọi người đều có quyền lập hội, có quyền tự do vào hội thành lập hợp pháp, và có quyền tự do ra hội” (Điều 2).
Song song với quyền, Luật yêu cầu: “Lập hội phải có mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân” (Điều 1); “lập hội phải xin phép (Điều 3). Và “Người nào xâm phạm đến quyền lập hội hoặc đến quyền tự do vào hội, ra hội của người khác có thể bị cảnh cáo hoặc bị truy tố trước toà án và bị xử phạt tù" (Điều 7); “Người nào lợi dụng quyền lập hội để hoạt động nguy hại đến lợi ích nước nhà, lợi ích nhân dân (...) sẽ bị truy tố trước toà án và xử phạt theo luật pháp hiện hành” (Điều 8).
Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định: “Công dân có quyền (...) hội họp, lập hội, biểu tình” (Điều 25). Song, “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân (...) Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” (Điều 15).
Tại Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005, Chính phủ quy định về một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, trong đó nêu rõ việc xử lý đối với những người có chức vụ, quyền hạn mà “lợi dụng”, người đứng đầu cơ quan, tổ chức mà “thiếu trách nhiệm”, “sách nhiễu, dung túng, bao che, gây khó khăn, phiền hà” khiến người dân bức xúc, dẫn đến tụ tập đông người để khiếu nại, tố cáo, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng (Điều 13). Trên thực tế, những người đứng đầu, có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan của hệ thống chính trị đều là đảng viên, nên việc nêu gương chấp hành pháp luật, tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên của mình và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi công tác thực hiện quyền, đồng thời tăng cường quản lý, ngăn chặn không để xảy ra vi phạm pháp luật... là nhiệm vụ thường xuyên, nếu làm tốt sẽ được khen thưởng, còn ngược lại, phải chịu xử lý của pháp luật.
Từ những ngày đầu của cách mạng giải phóng dân tộc cho đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hàng ngàn tổ chức hội quần chúng đã được thành lập. Có những đoàn thể chính trị - xã hội rộng lớn, do Đảng lãnh đạo xây dựng, đại diện cho các giai tầng xã hội cơ bản, tham gia vào hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở như Mặt trận Tổ quốc, Tổng Liên đoàn lao động, các hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên. Có những hội đại diện cho những giới, ngành quan trọng, được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, có quyền và trách nhiệm tham gia nghiên cứu, đề xuất chính sách, cung cấp dịch vụ công, giám sát, phản biện xã hội, như: Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật, Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật, các hội Nhà báo, Luật gia, Đông y, Chữ thập đỏ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam v.v..
Điều lệ Đảng quy định đảng viên có nhiệm vụ: “Liên hệ chặt chẽ với nhân dân (...) tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội nơi làm việc và nơi ở” (Điều 2). Vì vậy, dưới sự phân công của cấp ủy có thẩm quyền, đảng viên nhận nhiệm vụ tham gia công tác hội, ứng cử vào các ban lãnh đạo, thực hiện vai trò nòng cốt, nêu gương, trực tiếp tuyên truyền, vận động, cổ vũ để xây dựng tổ chức, xây dựng phong trào cách mạng của quần chúng nhằm thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Ngoài ra, có hàng ngàn hội khác, được xây dựng theo nguyên tắc tự nguyện nhằm tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, cộng đồng, có tư cách pháp nhân. Đảng viên có nhu cầu đều có thể tham gia hội, song phải báo cáo với tổ chức đảng có thẩm quyền quản lý mình; không được vi phạm pháp luật và làm những điều tổ chức đảng không cho phép.
Ở một khía cạnh khác, thời gian qua, xuất hiện những nhóm hội trái phép, tự ý tụ tập, hoạt động gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Đó là những nhóm hành nghề mê tín dị đoan, hay những “tà đạo”, lợi dụng niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng để “buôn thần bán thánh”; là những đường dây đánh bạc “xuyên quốc gia”, hay kinh doanh đa cấp, lợi dụng sự cả tin của người dân để lừa đảo; là nhóm những người cùng một sở thích, nhưng khi hoạt động thì gây hại cho cộng đồng, như hội đua xe trái phép. Đó có thể là những nhóm người, cùng một nguyện vọng (như giải quyết tranh chấp đất đai, phản đối ô nhiễm môi trường...), song nhận thức hạn chế, hoặc có lực lượng khác xúi giục, tập hợp nhau thành đoàn khiếu nại đông người, dài ngày, vượt cấp; mít tinh, biểu tình gây mất trật tự công cộng. Nguy hại hơn, có những tổ chức phản động, được tài trợ bởi các lực lượng thù địch để thực hiện mưu đồ chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ; có khi là những hội nhóm, gồm một số cán bộ, đảng viên do suy thoái đạo đức, bất mãn chính trị mà “tự chuyển hóa”, “trở cờ”... Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ các hành vi “Đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp” là biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống, và “Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước” là biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Vì vậy, đảng viên cần cảnh giác, tỉnh táo nhận diện, tránh bị lôi kéo; kịp thời báo cáo tổ chức và có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, ngăn chặn hậu quả... Ngược lại, nếu ai cố tình đứng ra thành lập, tổ chức và tham gia hoạt động, hoặc tiếp tay, ủng hộ, vận động, xúi giục, ép buộc người khác tham gia, thì tùy theo mức độ sai phạm mà chịu sự xử lý theo Điều 23, Quy định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là chi bộ cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên, đồng thời, dựa vào tai mắt của nhân dân để sớm phát hiện, nhắc nhở, cảnh báo các dấu hiệu vi phạm. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với đảng viên cố tình làm trái, tiếp tay cho các thế lực thù địch lợi dụng quyền công dân để kích động quần chúng lập hội, biểu tình chống Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Bạch Yến - Văn Hào