Nền an ninh nhân dân là sức mạnh về tinh thần, vật chất, sự đoàn kết và truyền thống dựng nước, giữ nước của toàn dân tộc được huy động vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia làm nòng cốt.
Bản chất của nền an ninh nhân dân là sức mạnh tổng hợp về tinh thần và vật chất, truyền thống dựng nước, giữ nước và sức mạnh khối đại đoàn kết của toàn dân tộc được huy động vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia. Do vậy, xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân phải là sự nghiệp của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò tham mưu và nòng cốt. Thực tiễn đã chứng minh, dù lực lượng Công an nhân dân có được xây dựng chính quy, tinh nhuệ và hiện đại đến mấy, muốn giành thắng lợi, vẫn phải phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự nói chung, xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân nói riêng.
Xác định rõ nền an ninh nhân dân là sức mạnh về tinh thần, vật chất, sự đoàn kết và truyền thống dựng nước, giữ nước của toàn dân tộc được huy động vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia làm nòng cốt. Thế trận an ninh nhân dân là việc tổ chức, bố trí lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia và các nguồn lực cần thiết để chủ động bảo vệ an ninh quốc gia.
Xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân bao gồm vận động toàn dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng địa phương, cơ quan, tổ chức vững mạnh; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, kế hoạch bảo vệ an ninh quốc gia gắn với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại và kết hợp chặt chẽ với xây dựng nền quốc phòng toàn dân; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại, với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia vững mạnh; xây dựng các phương án và tổ chức, bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết để chủ động bảo vệ an ninh quốc gia trong mọi tình huống.
Xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước. Công an nhân dân làm nòng cốt trong xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tham gia xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng tiềm lực bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh. Người đứng đầu cấp uỷ và chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; cán bộ, đảng viên có trách nhiệm tự giác thực hiện và tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tích cực tham gia.
Tập trung xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân kết hợp với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng – an ninh. Để xây dựng nền an ninh nhân dân phải kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng – an ninh, quốc phòng – an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế – xã hội và trên từng địa bàn. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân./.
PV