Trả lời: Trong bài viết “Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” in trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” đã nhắc đến vấn đề “chấn hưng văn hóa” dân tộc. Trong đó, tập trung trả lời hai câu hỏi: (1) Vì sao phải chấn hưng văn hóa dân tộc và (2) Làm thế nào để chấn hưng văn hóa dân tộc?
Thứ nhất, Yêu cầu chấn hưng văn hóa dân tộc trước hết xuất phát từ chính vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong xây dựng, phát triển con người, trong xây dựng, phát triển đất nước.Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặc biệt chú trọng đến vấn đề xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam được khẳng định là một trong các định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được xác định vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là khâu đột phá có ý nghĩa chiến lược để đẩy mạnh quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, yêu cầu chấn hưng văn hóa dân tộc còn xuất phát từ thực tế phát triển văn hóa trong thời gian qua. Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, bên cạnh nhiều thành tựu đáng ghi nhận, chúng ta cũng phải đối diện với thực tế là sự phát triển văn hóa chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế, chính trị. Văn hóa chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Chưa có những giải pháp hữu hiệu để phát huy vai trò của văn hóa trong xây dựng con người. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuống cấp về đạo đức, suy thoái về tư tưởng chính trị, lối sống trong xã hội.
Bối cảnh thời đại cũng đặt ra nhiều thời cơ và thách thức mới đối với việc phát triển nền văn hóa dân tộc. Từ quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư, … đều mang lại những tác động đa chiều đối với nền văn hóa Việt Nam. Đồng thời, thách thức của an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, sự biến đổi khí hậu cũng như tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, … cũng tác động không nhỏ đến nền văn hóa dân tộc.
Trước yêu cầu của thời đại, của đất nước, văn hóa cần phải có sự chuyển động mạnh mẽ để hoàn thành sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi”, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Thứ hai, chấn hưng văn hóa dân tộc - làm cho văn hóa hưng thịnh hơn vừa là khát vọng nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ chính trị cấp thiết đặt ra hiện nay. Trong bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 đã nêu lên 6 nhiệm vụ để chấn hưng văn hóa dân tộc.
Nhiệm vụ thứ nhất là khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc;
Nhiệm vụ thứ hai tập trung vào xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập;
Nhiệm vụ thứ ba là phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa;
Nhiệm vụ thứ tư là phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hoá của nhân dân, trong đó đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa;
Nhiệm vụ thứ năm nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức. Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà nước; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa;
Nhiệm vụ thứ sáu là xây dựng môi trường văn hóa số và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.
Trong sáu nhiệm vụ trên, vấn đề nổi lên và xuyên suốt chính là xây dựng con người. Bởi, con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của mọi quá trình xây dựng, phát triển văn hóa. Chấn hưng văn hóa, xây dựng, phát triển thành công sự nghiệp văn hóa là do con người: từ con người với tư cách là cán bộ lãnh đạo, quản lý đến con người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, từ con người sáng tạo đến con người thụ hưởng các giá trị văn hóa; từ con người tinh hoa như giới trí thức, văn nghệ sĩ đến con người đại chúng - những người thực hành văn hóa.
Để có thể chấn hưng văn hóa dân tộc, trước hết và trên hết cần tập trung xây dựng con người. Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam phải được xem là tài sản, phải được khơi dậy, phải được phát huy. Lòng tự hào dân tộc, khát vọng về một quốc gia hùng cường, thịnh vượng, truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân văn, trọng nghĩa tình đạo lý, … phải được lan tỏa, thành phương châm hành động của mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị, … Con người cần được chăm lo bằng những chính sách cụ thể để ngày càng hoàn thiện hơn về tri thức, kỹ năng, cảm xúc, thể chất, thực sự trở thành chủ thể của quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước./.
VTPH