Một là, tập trung nghiên cứu làm sáng tỏ và sâu sắc hơn bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường lên xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong tình hình mới. Tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa những nguyên lý cơ bản, những giá trị bền vững phù hợp với thực tiễn Việt Nam; đồng thời, chỉ rõ những vấn đề cần phải nhận thức lại, cần bổ sung, phát triển cho phù hợp với bối cảnh và điều kiện mới. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo đảm sức sống mới cho lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới.
Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống tinh thần của xã hội; nhận thức đầy đủ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và những quan điểm sai trái về tư tưởng chính trị, những hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ba là, tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy và xây dựng lực lượng cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vững mạnh; huy động mọi nguồn lực của hệ thống chính trị và toàn xã hội phục vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tập trung xây dựng, củng cố Ban Chỉ đạo 35 các cấp; nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tuyên giáo, nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, lực lượng công an, quân đội, bảo vệ chính trị nội bộ... thực sự là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, là “thanh bảo kiếm” trong cuộc đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng lý luận. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng xã hội tham gia tích cực và có trách nhiệm trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bốn là, tăng cường công tác dự báo, nắm bắt tình hình, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch để có biện pháp ứng phó kịp thời; không để bị động, bất ngờ trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cần chủ động nhận diện, làm rõ các luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng trong tình hình hiện nay. Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả. Nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý tư tưởng, chủ động, kịp thời cung cấp các thông tin chính thống để định hướng dư luận; bồi dưỡng, nâng cao khả năng tự phòng, chống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.
Năm là, khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm hoàn thiện thể chế pháp lý trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; xử lý nghiêm khắc, kịp thời những phần tử cơ hội, bất mãn, thoái hóa lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để xuyên tạc, vu khống, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, làm mất ổn định chính trị - xã hội của đất nước./.
PV