Trả lời:
Theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội và Quy chế hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội được bầu trong một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương hợp thành Đoàn đại biểu Quốc hội. Đoàn Đại biểu Quốc hội có Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn, có trụ sở, văn phòng giúp việc và có kinh phí hoạt động theo quy định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Đoàn Đại biểu Quốc hội có đại biểu hoạt động chuyên trách. Đại biểu Quốc hội trong Đoàn có nhiệm vụ thực hiện chương trình công tác và sự phân công của Đoàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội.
1. Nhiệm vụ của Đoàn Đại biểu Quốc hội
Phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ở địa phương tổ chức để Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri;
Tổ chức việc tiếp công dân của Đại biểu Quốc hội; tiếp nhận, chuyển đơn, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân mà Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội đã chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết; mời đại diện Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ở địa phương tham dự các buổi tiếp công dân của Đại biểu Quốc hội; trong trường hợp cần thiết thì mời đại diện của cơ quan hữu quan ở địa phương cùng tham dự để tiếp thu xử lý những vấn đề liên quan;
Phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc ở địa phương tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác theo yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
Tổ chức để Đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác, dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội;
Tổ chức để Đại biểu Quốc hội giám sát việc thi hành pháp luật, đấu tranh chống tham nhũng; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của địa phương; khảo sát tình hình thực tế ở địa phương; góp ý với địa phương về thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; khi cần thiết, kết quả giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội được công bố trên các thông tin đại chúng;
Phân công đại biểu Quốc hội trong Đoàn tham gia Đoàn công tác, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội;
Tham gia ý kiến về việc giới thiệu Đại biểu Quốc hội trong Đoàn ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá sau; phân công Đại biểu Quốc hội trong Đoàn tham gia Đoàn giám sát về việc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá sau, bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội ở địa phương;
Mỗi năm hai lần, vào giữa năm và cuối năm, báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tình hình hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, đồng thời thông báo với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Nhiệm vụ của Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội
Tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện các nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Giữ mối liên hệ với Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong Đoàn, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam ở địa phương và Văn phòng Quốc hội.
Thọ Anh