Câu hỏi: Xin cho biết những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Trả lời
Ngày 08/02/2023, Chính phủ ra Nghị quyết số 14/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chương trình đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
Một là, nhóm giải pháp về quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện Nghị quyết
- Khẩn trương triển khai công tác nghiên cứu, quán triệt nội dung của Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ và các Chương trình, kế hoạch hành động triển khai thực hiện để tạo sự thống nhất trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của vùng đồng bằng Sông Hồng đối với cả nước.
- Đổi mới tư duy phát triển và đẩy mạnh quyết tâm của các cấp, các ngành về nhiệm vụ xây dựng và phát triển vùng, nhất là liên kết vùng, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ thống đô thị thông minh, hiện đại, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phân bổ nguồn lực và quan hệ đối ngoại nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, giải quyết các vấn đề quốc gia tại vùng, các vấn đề liên ngành, liên vùng.
- Công tác tuyên truyền về Nghị quyết số 30-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ cần được tiến hành với quy mô sâu rộng, với nhiều hình thức, phương thức truyền thông đa dạng, phong phú, hấp dẫn và phù hợp với từng đối tượng tạo nhận thức sâu sắc về cơ hội, thuận lợi, thách thức, cũng như tiềm năng, lợi thế của vùng để tạo đột phá phát triển vùng.
Hai là, nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng
- Hoàn thành lập và phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng Sông Hồng và quy hoạch tỉnh của các địa phương trong vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, phát triển nhanh, bền vững phù hợp với vị trí địa kinh tế - chính trị. Tổ chức không gian phát triển vùng bảo đảm cân bằng, bền vững gắn với việc phát triển các hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam; Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình; phát triển các chuỗi đô thị hiện đại và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông đồng bộ, kết nối giữa các cực tăng trưởng trong vùng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), nội vùng, liên vùng, các đầu mối trung tâm kinh tế trên toàn tuyến, hành lang kinh tế.
- Quy hoạch của các tỉnh, thành phố trong vùng bảo đảm phù hợp với quy hoạch vùng; xây dựng và triển khai hiệu quả các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm. Quy hoạch các địa phương có biển phù hợp với quy hoạch không gian biển quốc gia, giữa vùng bảo vệ - bảo tồn, vùng đệm và vùng phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
- Hình thành các vùng động lực và các khu vực phát triển công nghiệp, thương mại, tài chính, ngân hàng, dịch vụ, nông nghiệp hiệu quả cao, hữu cơ, tuần hoàn; phát triển dịch vụ, logistics. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, tài chính, ngân hàng, du lịch và đô thị thông minh. Vùng Nam đồng bằng Sông Hồng, phát triển ngành nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn; công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển các khu kinh tế ven biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh gắn với bảo vệ môi trường.
- Tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có sử dụng đất phù hợp với không gian phát triển; lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên phát triển, dự án đầu tư phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Quản lý, khai thác có hiệu quả quỹ đất, nhất là quỹ đất được hình thành từ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
- Rà soát, sớm điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hiện hành để đáp ứng tốt hơn các điều kiện đặc thù cho vùng phát triển đột phá. Nghiên cứu, xây dựng thể chế điều phối vùng đủ mạnh để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả điều phối, liên kết vùng, tập trung vào một số lĩnh vực như quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý các vấn đề về môi trường liên tỉnh, phát triển các cụm liên kết ngành về môi trường… Thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng Sông Hồng.
- Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách, đầu tư nhằm khuyến khích các địa phương tạo nguồn thu; xây dựng tỷ lệ điều tiết ngân sách phù hợp cho các tỉnh, thành phố tạo động lực phát triển mới cho Thủ đô, vùng Thủ đô và toàn vùng; cho phép các địa phương được sử dụng ngân sách địa phương chủ động tham gia các hoạt động liên kết và đầu tư cho các dự án vùng, liên vùng; ngân sách cấp này được thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách cấp khác đối với các dự án vùng, liên vùng vì lợi ích chung của địa phương, vùng và cả nước.
- Nghiên cứu, xây dựng thí điểm các mô hình, cơ chế, chính sách mới, đặc thù cho vùng, trong đó có các cơ chế, chính sách tạo đột phá để tiếp tục phát triển Thủ đô Hà Nội, tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô để có cơ chế, chính sách vượt trội cho Hà Nội phát huy vai trò là đầu tàu, động lực phát triển của vùng và cả nước.
Ba là, nhóm giải pháp về phát triển kinh tế vùng
Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số thích ứng biến đổi khí hậu; lấy công nghiệp, dịch vụ hiện đại tiếp tục và nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao tiếp tục là trụ cột của nền kinh tế. Phát triển kinh tế số, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhất là thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tăng năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp.
Về phát triển công nghiệp:
- Phát triển công nghiệp vùng theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ứng dụng nền tảng số, thân thiện với môi trường, ít phát thải khí nhà kính, có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh, tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, trọng tâm phát triển là công nghiệp hiện đại có lợi thế như công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ số (gồm: công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp điện tử và các ngành công nghiệp mới sản xuất chíp, bán dẫn), ô tô, công nghiệp hỗ trợ; thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh.
- Huy động có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng hiện đại, đồng bộ, nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hiện có, gắn với các hành lang, vành đai kinh tế. Có cơ chế, chính sách đủ mạnh để hình thành và phát triển các ngành công nghiệp mới như sản xuất chíp, bán dẫn, sản xuất rô-bốt, công nghiệp môi trường, công nghiệp năng lượng tái tạo, vật liệu mới.
- Thúc đẩy phát triển các hành lang công nghiệp Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Việt Trì qua thành phố Vĩnh Yên, Hà Nội - Lạng Sơn và vành đai kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình. Phát triển tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, là trung tâm công nghiệp động lực của vùng. Hình thành khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ gắn với phát triển khu công nghiệp, khu đô thị - dịch vụ nhằm cung ứng dịch vụ, tiện ích công cộng cho khu công nghiệp; tăng cường liên kết hình thành các cụm liên kết ngành và khu công nghiệp chuyên biệt.
Về phát triển nông nghiệp:
- Phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, bền vững, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng nông nghiệp dựa trên ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, hữu cơ, sản xuất sản phẩm có giá trị cao theo chuỗi giá trị, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, nông dân văn minh. Tập trung phát triển các vùng chuyên canh hàng hóa lớn, chất lượng cao như: lúa, rau, hoa, quả đặc sản, cây cảnh; chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc hữu cho vùng, địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào trong chăn nuôi công nghiệp, theo mô hình trang trại, trong đó tập trung vào các sản phẩm chủ lực như lợn, bò, gia cầm; đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu. Tập trung đầu tư hoàn thành Trung tâm hậu cần nghề cá lớn tại thành phố Hải Phòng. Phát triển kinh tế lâm nghiệp kết hợp với bảo vệ chặt chẽ, nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển và khu bảo tồn thiên nhiên.
- Thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng nền tảng số và dữ liệu số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển mạnh các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp như công nghiệp sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ nông nghiệp, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản. Hình thành các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã để phát triển theo chuỗi giá trị như: Cụm liên kết trồng lúa, rau, hoa, quả đặc sản, nuôi trồng thủy hải sản, gắn với cơ sở chế biến, bảo quản, phân phối tại các tỉnh trong vùng; cụm liên kết sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ gắn với các làng nghề truyền thống của các địa phương; liên kết ngoại vùng trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, bảo vệ, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo tồn không gian kiến trúc văn hóa làng, xã truyền thống nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ; bảo vệ môi trường, không gian cảnh quan, gắn phát triển làng nghề truyền thống với phát triển du lịch.
Về phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch:
- Phát triển các ngành dịch vụ và thương mại của vùng theo hướng hiện đại, đa dạng với trọng tâm là phát triển thương mại, logistics, du lịch, tài chính - ngân hàng. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng, có thế mạnh của vùng đồng bằng Sông Hồng như các sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, các sản phẩm nông nghiệp hiệu quả cao, hữu cơ, tuần hoàn. Tăng cường kết nối giữa các địa phương trong vùng và liên kết vùng theo hướng trao đổi hàng hóa, gắn với liên kết các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, quảng bá, giao lưu quốc tế. Chú trọng phát triển thương mại biên giới ổn định gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Đầu tư phát triển hệ thống logistics, chợ đầu mối, trung tâm trung chuyển và kho vận, hệ thống kho bãi hiện đại, thông minh, bền vững theo chuẩn quốc tế gắn với các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường ven biển, cửa khẩu và hệ thống cảng biển; hình thành các sàn giao dịch hàng hóa, các cụm, khu vực hội chợ triển lãm, đẩy mạnh thương mại điện tử. Phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại khu vực Đông Nam Á; trong đó thành phố Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ du lịch mang tầm khu vực và quốc tế; Hải Phòng là trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại, là cửa ngõ ra biển, kết nối các tuyến hành lang, vành đai kinh tế.
- Phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế và đa dạng loại hình dịch vụ; cơ cấu lại hoạt động của thị trường chứng khoán, tài chính, tiền tệ; chuyển đổi số toàn diện hệ thống ngân hàng, phát triển mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ.
- Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững, hội nhập quốc tế và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng với các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu, sức cạnh tranh cao gắn với phát huy giá trị của nền văn minh Sông Hồng; trọng tâm là du lịch văn hóa, kết nối các Di sản tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường quảng bá các sản phẩm du lịch, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; tập trung ưu tiên đầu tư các khu du lịch quốc gia trong vùng, như: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu du lịch Ba Vì - Suối Hai, Khu du lịch Tam Đảo, Khu du lịch Tam Chúc; Khu du lịch Tràng An; Khu du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc, Khu du lịch Hạ Long - Cát Bà; Khu du lịch Vân Đồn; Khu du lịch Trà Cổ. Tăng cường liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác theo chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết nội vùng, liên vùng để phát triển các sản phẩm du lịch của vùng hợp tác trao đổi thông tin quản lý nhà nước về du lịch giữa các vùng, xây dựng cơ chế chính sách, quy hoạch, kế hoạch dài hạn để phát triển sản phẩm du lịch. Phát triển tỉnh Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới.
Về phát triển kinh tế biển:
Phát triển kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển. Chú trọng phát triển kinh tế biển khu vực Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình; tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển và phát huy vai trò động lực các khu kinh tế ven biển gắn với đô thị ven biển, trung tâm du lịch, dịch vụ logistics; hoàn thành tuyến đường bộ ven biển kết nối liên vùng, các tuyến giao thông kết nối với cảng biển, cảng hàng không, các tỉnh Bắc Trung Bộ và cả nước. Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản; đào tạo nhân lực biển. Đầu tư, xây dựng Trường Đại học Hàng Hải là trường trọng điểm quốc gia, nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, đào tạo nhân lực đạt trình độ ngang bằng các nước phát triển trong khu vực để phục vụ phát triển kinh tế biển.
- Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để xây dựng và phát triển khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại mang tầm quốc tế, hàng đầu Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng. Xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Ninh.
Bốn là, nhóm giải pháp về phát triển hệ thống đô thị (theo mô hình TOD) bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại
- Tập trung phát triển hệ thống đô thị trong vùng hiện đại, thông minh, bền vững, theo mạng lưới và thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ hợp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất để đồng bằng Sông Hồng trở thành vùng đô thị lớn, có tỷ lệ đô thị hóa cao và chất lượng sống tốt. Lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch đô thị (theo mô hình TOD). Chú trọng phát triển các đô thị hai bên bờ Sông Hồng và các sông lớn trong vùng, đáp ứng yêu cầu thoát lũ, phòng, chống thiên tai, khai thác, sử dụng hiệu quả không gian, quỹ đất.
Tiếp tục thực hiện Quy hoạch chung xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; phát huy vai trò hạt nhân động lực các đô thị trong vùng. Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc, cả nước và hội nhập vào mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, Châu Á; thành phố Hải Phòng phấn đấu trở thành đô thị loại đặc biệt, xanh, thông minh, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng với các chỉ tiêu y tế, giáo dục, đào tạo đạt mức bình quân của đô thị thuộc 4 nước dẫn đầu ASEAN.
- Phát triển các trung tâm hành chính tỉnh, thành phố để tăng cường liên kết, hình thành các chuỗi đô thị, đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, trong đó, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh gắn với phát triển vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ; chuỗi đô thị tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình và Nam Định gắn với phát triển kinh tế biển; chuỗi đô thị tại tỉnh Hưng Yên và Hà Nam gắn với hạ tầng y tế - giáo dục cấp vùng và giảm tải cho các đô thị lớn; chuỗi đô thị thuộc các hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, logistics.
- Thực hiện đồng bộ các chính sách giảm tải cho các đô thị lớn, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh; tiếp tục thực hiện di dời trường đại học, bệnh viện ra khỏi trung tâm Thủ đô Hà Nội. Tập trung cải tạo, chỉnh trang các chung cư hết niên hạn sử dụng, chung cư xuống cấp, mất an toàn, đặc biệt là các đô thị lớn. Có chính sách đủ mạnh, đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà xã hội cho người có thu nhập thấp, nhà ở trong khu công nghiệp cho người lao động và xây dựng các thiết chế văn hóa, nhất là cho công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghiệp.
- Sớm hoàn thiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông nghiệp, nông thôn; cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, đê sông, đê biển, nhất là các tuyến đê cấp III, cấp đặc biệt thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; ưu tiên đầu tư các công trình phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Ưu tiên huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó vốn nhà nước đóng vai trò dẫn dắt nguồn lực khu vực tư nhân để đầu tư các công trình trọng điểm, động lực, có tính lan tỏa, kết nối vùng, kết nối các phương thức vận tải khác nhau. Tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế; phát triển vận tải đa phương thức, phát huy lợi thế về cảng biển, hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và các hành lang kết nối của vùng. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm các dự án giao thông đô thị, các tuyến vành đai hướng tâm, hệ thống giao thông tĩnh, nhất là sớm hoàn thành các tuyến Metro tại Thủ đô Hà Nội. Nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt đô thị kết nối Hà Nội với Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc,…cụ thể:
Về đường bộ: Đến năm 2027, hoàn thành tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, mở rộng quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Phấn đấu đến năm 2030, đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch tuyến đường vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đường cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long và các đường song hành với các tuyến đường vành đai 4, vành đai 5 tại Hà Nam và các địa phương trong vùng phù hợp với quy hoạch và khả năng cân đối nguồn vốn; Mở rộng các tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Bắc Giang, Hòa Lạc - Hòa Bình,…; Nâng cấp hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ đạt cấp III, mở rộng tối thiểu 4 - 6 làn xe đối với đoạn qua đô thị, đường tỉnh cơ bản đạt cấp III, IV; Cải tạo, nâng cấp và mở rộng một số đoạn ưu tiên trên một số quốc lộ như: Quốc lộ 6 đoạn Yên Nghĩa - Xuân Mai, Quốc lộ 21C đoạn Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính, Quốc lộ 38C, Quốc lộ 4B đoạn qua tỉnh Quảng Ninh, đường bộ ven biển qua Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, đường vành đai 5 đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc,…
Về đường sắt: Tập trung cải tạo, nâng cấp, khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận đạt tiêu chuẩn quốc tế; hoàn thành tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh), tuyến Hà Nội - Hải Phòng (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng), tuyến vành đai phía Đông - Hà Nội (đoạn Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi). Xây dựng lộ trình nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối Hà Nội với Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc,... và tuyến Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh (bao gồm cả đoạn Nam Hải Phòng - Hạ Long).
Về đường thủy nội địa: Cải tạo các tuyến đường thủy nội địa Hải Phòng, Quảng Ninh về Hà Nội, Việt Trì, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và tuyến ven biển Vạn Gia - Ka Long; nâng cấp tĩnh không cầu Đuống, nạo vét luồng lạch tại các điểm nghẽn hạ tầng trên Sông Hồng.
Về cảng biển: Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các bến mới tại khu bến cảng Lạch Huyện (bến số: 3, 4, 5, 6, 7, 8) thuộc cảng biển Hải Phòng để khai thác hiệu quả cảng quốc tế Lạch Huyện. Nghiên cứu đầu tư các bến cảng mới tại cảng biển Quảng Ninh theo quy hoạch.
Về cảng hàng không: Hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn theo quy mô quy hoạch. Nghiên cứu, xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch Cảng hàng không quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc.
- Tiếp tục tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khác. Đa dạng hóa nguồn lực và hình thức đầu tư để phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; hệ thống công trình thoát nước, chống ngập tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương trong vùng. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư các công trình văn hóa, thể thao, du lịch để phát huy thế mạnh của vùng, của từng địa phương. Chú trọng đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn, nhất là tại Hà Nội và các đô thị lớn; rà soát, hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, khu đô thị, khu dân cư tập trung; ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số vào quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, chống biến đổi khí hậu. Đầu tư nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng viễn thông, hạ tầng số hiện đại, an toàn, trong đó ưu tiên tập trung đầu tư hạ tầng viễn thông băng rộng, điện toán đám mây, internet vạn vật (IoT)… đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của các địa phương trong vùng, nhất là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh; triển khai thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Năm là, nhóm giải pháp về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
- Phát triển vùng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng Sông Hồng. Chú trọng nghiên cứu, phát triển công nghệ lõi, công nghệ số; tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ có trình độ tiên tiến ở một số lĩnh vực có thế mạnh đạt trình độ quốc tế, thực sự trở thành động lực để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Xây dựng chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ cho vùng; có chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài làm việc trong vùng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao năng lực quản lý các cấp tại địa phương.
- Tăng cường các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, phát triển, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ số, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, du lịch, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và khai thác trực tiếp lợi thế của các địa phương trong vùng; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, xây dựng dữ liệu phục vụ cho hoạt động chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và liên kết vùng.
- Phổ cập dịch vụ mạng di động 5G, hướng đến công nghệ 6G. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số; tạo lập dữ liệu mở, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên thiết bị di động thông minh. Phát triển nhanh doanh nghiệp công nghệ số; tăng nhanh tỉ trọng kinh tế số trong GRDP. Phấn đấu số doanh nghiệp khoa học - công nghệ tăng gấp 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm 50% tổng số doanh nghiệp hoạt động; tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 50%.
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ. Tiếp tục hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ để phát triển các sản phẩm chủ lực, lợi thế của địa phương. Củng cố, xây dựng nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của các tổ chức trong vùng, hình thành mạng lưới các tổ chức có khả năng tiếp nhận, hỗ trợ, chuyển giao các công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, gắn kết chặt chẽ với giáo dục - đào tạo, sản xuất, kinh doanh. Có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp trích lập, sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với các viện, trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong vùng.
- Xây dựng Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng Sông Hồng gắn với phát triển mạnh các công nghệ mới và kết nối hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ vùng, cả nước và quốc tế. Xây dựng và phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam…, trong đó Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hoà Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học; Hải Phòng trở thành Trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ về biển; phát triển Khu công nghệ cao Hà Nam tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện tử - bán dẫn, tự động hóa, công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới; hình thành các khu nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch tại các tỉnh, thành phố trong vùng, như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định.
- Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vùng, thúc đẩy kết nối chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, trong đó các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp công nghệ số giữ vai trò trung tâm dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò kiến tạo môi trường thể chế. Hình thành và phát triển hệ sinh thái khoa học công nghệ cho nghiên cứu, phát triển và sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế thiết yếu. Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội gắn với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thành phố Hà Nội và quốc gia.
- Bảo đảm chi cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm. Xây dựng cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ, thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, phát triển các sản phẩm chủ lực. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, huy động vốn đầu tư, các nguồn lực đầu tư cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển và ứng dụng công nghệ số, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, thúc đẩy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện hành lang pháp lý để khuyến khích sử dụng kết quả khoa học - công nghệ, tài sản sở hữu trí tuệ góp vốn thành lập doanh nghiệp.
(còn tiếp phần 2)
P.V
Theo Nghị quyết ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.