Câu hỏi: Văn hóa đọc đóng vai trò quan trọng trong hình thành giá trị nhân văn, sáng tạo của một quốc gia. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra định hướng đến năm 2030 người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác. Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ giải pháp gì để đạt được điều đó?
Trả lời
Văn hóa đọc là có vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành giá trị nhân văn, sáng tạo của một quốc gia. Xác định tầm quan trọng đó, trong những năm qua Nhà nước Việt Nam liên tục ban hành những văn bản pháp luật, các quyết định nhằm thúc đẩy văn hóa đọc như: Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam; Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Luật Thư viện số 46/2019/QH14 ngày 21/11/2019; Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 04/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam;…
Chính phủ Việt Nam định hướng đến năm 2030 người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác. Các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc được duy trì và củng cố. Môi trường đọc tiếp tục được cải thiện. Hoạt động thư viện, xuất bản có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của người dân (bao gồm cả xuất bản phẩm in và điện tử).
Để đạt được điều đó, Chính phủ đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc; huy động sự tham gia có hiệu quả của các phương tiện thông tin, truyền thông trong cả nước với nhiều hình thức thực hiện đa dạng, phù hợp; khuyến khích các phương tiện thông tin đại chúng có chuyên mục thường kỳ về văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong phát triển văn hóa đọc; có hình thức tôn vinh người đọc có hiệu quả.
Hai là, xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc. Tăng cường vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xây dựng, duy trì thói quen đọc phù hợp với điều kiện của mỗi cá nhân. Huy động sự tham gia, phối hợp triển khai có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xây dựng, duy trì thói quen đọc và tăng cường vai trò của gia đình. Hướng dẫn kỹ năng và phương pháp đọc phù hợp với từng nhóm đối tượng, chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên; định hướng và thúc đẩy xu hướng, thị hiếu đọc lành mạnh trong xã hội.
Ba là, hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh xã hội hóa. Rà soát, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan cần thiết, góp phần tạo môi trường đọc thuận lợi; xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư cho phát triển văn hóa đọc. Xây dựng và triển khai có hiệu quả chính sách thu hút nguồn lực trong và ngoài nước tham gia phát triển văn hóa đọc. Rà soát, lựa chọn và đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có nội dung liên quan đến phục vụ phát triển văn hóa đọc, trong đó xác định cụ thể các nội dung, mức độ liên quan để triển khai việc lồng ghép phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh phát triển thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình, tủ sách khuyến học; hỗ trợ nâng cao chất lượng nhân lực trong hệ thống thư viện tư nhân và loại hình tủ sách; bổ sung tiêu chí về tủ sách gia đình thành tiêu chuẩn xét công nhận gia đình văn hóa. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhằm phát huy vai trò của các doanh nghiệp và cơ sở khác hoạt động trong lĩnh vực phát hành, kinh doanh xuất bản phẩm đối với phát triển văn hóa đọc.
Bốn là, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Xây dựng và phát triển hệ thống thư viện hiện đại, có vốn tài liệu phong phú, thân thiện với người sử dụng, trở thành trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục của cộng đồng, nơi giao lưu giữa tác giả - tác phẩm và người đọc, phục vụ hiệu quả nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân; chú trọng phát triển thư viện trường học, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thí điểm và hình thành thư viện điện tử phục vụ cộng đồng và nguồn học liệu mở cho trường học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức nhanh chóng, thuận tiện. Đa dạng hóa các dịch vụ thư viện; tăng cường phổ biến, hướng dẫn về phương pháp sử dụng thư viện có hiệu quả; đẩy mạnh dịch vụ thư viện lưu động tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; thúc đẩy phối hợp, liên kết giữa các thư viện với trung tâm văn hóa, thể thao, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã; tăng cường luân chuyển sách, báo, tài liệu giữa các thư viện, chú trọng luân chuyển từ hệ thống thư viện công cộng tới các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đến các trường học, đồn biên phòng, trại giam, các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng...
Năm là, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức xuất bản phẩm. Bảo đảm chất lượng và nội dung thông tin trong xuất bản phẩm, nhất là sách in; đa dạng hóa xuất bản phẩm, chú trọng sách, tài liệu về giáo dục kỹ năng sống, tinh thần tự hào dân tộc, lối sống lành mạnh, thái độ ứng xử văn minh, giàu lòng nhân ái, phổ biến kiến thức; các tác phẩm của nước ngoài có chất lượng, đạt giải thưởng quốc tế uy tín. Bảo đảm cơ cấu xuất bản phẩm hợp lý, đặc biệt là sách nhằm đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng cao và đa dạng của người dân; chú trọng hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích sáng tác, xuất bản sách phục vụ trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật và các đối tượng thiệt thòi khác trong xã hội. Phát triển đa dạng các loại sách có nội dung phong phú dành cho các nhóm đối tượng, tập trung vào các nội dung phổ cập kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng làm việc.
Sáu là, mở rộng hợp tác quốc tế. Tăng cường giao lưu văn hóa trong lĩnh vực xuất bản, thư viện và các hoạt động văn hóa khác; đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá các tác phẩm có giá trị của Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời lựa chọn các tác phẩm có chất lượng của nước ngoài để giới thiệu, phổ biến tại Việt Nam. Tích cực phối hợp tổ chức hoặc tham gia các sự kiện quốc tế liên quan đến phát triển văn hóa đọc. Tranh thủ sự hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
Phương Dung
(Theo Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030)