Câu hỏi: Xin cho biết trong Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Đảng ta đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp gì để “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”?
Trả lời
Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII diễn ra từ ngày 04/5 đến ngày 10/5/2022. Một trong những nội dung quan trọng được Hội nghị đưa ra là Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.
Qua trao đổi, thảo luận, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất ban hành Nghị quyết với tên gọi: "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Nhiệm vụ, giải pháp cơ bản được đưa ra là:
(1) Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Đất đai là nguồn lực to lớn cần được phát huy, đồng thời cần được quản lý và sử dụng có hiệu quả, bảo đảm công bằng xã hội; được bảo vệ, không để bị suy thoái, huỷ hoại, lãng phí, tham nhũng.
(2) Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
- Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
- Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Có cơ chế đồng bộ, cụ thể để xử lý trường hợp vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, nhất là liên quan tới đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất.
- Hoàn thiện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải bảo đảm công khai, minh bạch, hài hoà lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
- Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất. Bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất, cơ quan chịu trách nhiệm xác định, quyết định giá đất, giám sát, kiểm tra..., bổ sung các quy định bảo đảm công khai, minh bạch.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai. Thực hiện chính sách ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư; đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình người có công với cách mạng.
- Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Đẩy mạnh thương mại hoá quyền sử dụng đất, xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch.
- Xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích. Bổ sung, hoàn thiện các quy định đối với quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh, đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất cho dự án du lịch có yếu tố tâm linh và một số loại đất khác.
(3) Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được bố trí nguồn lực hợp lý để xây dựng, hoàn thiện đúng tiến độ; bảo đảm quản lý, vận hành tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
(4) Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng
Tăng cường kiểm soát quyền lực, thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra tình hình quản lý, sử dụng đất đai và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Tiến hành kiểm tra, thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của các ngành, các cấp, thực hiện phương châm giải quyết các tranh chấp từ cơ sở, tránh vượt cấp lên Trung ương.
(5) Tập trung giải quyết về cơ bản các tồn tại, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất
Tập trung nguồn lực đầu tư, chỉ đạo quyết liệt, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương trong xử lý những tồn tại, vướng mắc về đất đai; thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi sắp xếp lại trụ sở, cơ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước để chuyển sang mục đích phát triển kinh tế; giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quy hoạch, kế hoạch.
(6) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quản lý và sử dụng đất
Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về đất đai và phải chịu trách nhiệm nếu để các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi mình quản lý vi phạm pháp luật để trục lợi, gây thất thoát, sử dụng lãng phí đất đai.
Chiên Lê
(Theo Thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII của Ban Tuyên giáo Trung ương)