Câu hỏi: Xin cho biết nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII?
Trả lời
Đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị luôn được Đảng ta quan tâm. Một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng là “xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”(1) được Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn khách quan; khẳng định rõ vai trò lãnh đạo kịp thời, thông suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã xác định rõ quan điểm chỉ đạo: “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”(2).
Nhằm “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”(3), Đại hội XIII xác định các nhiệm vụ, giải pháp:
Thứ nhất, “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội, con người,... đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.”(4).
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị cần tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Phải tuyên truyền làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức rõ tinh giản biên chế với mục tiêu “giảm lượng, tăng chất”, “thà ít mà tốt” là nhiệm vụ rất quan trọng; xác định đây là việc làm thường xuyên nhằm xây dựng bộ máy chính quyền nhà nước tinh gọn, hiệu quả, từng bước hiện đại hóa, đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Ngoài ra, cần thực hiện tốt hơn công tác cán bộ. Bởi lẽ, cán bộ và công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”. Tổ chức bộ máy dù hoàn thiện nhưng nếu không có đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức, trí tuệ, năng lực và tinh thần trách nhiệm thì tổ chức bộ máy cũng khó hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, phải thực hiện tốt hơn việc đánh giá cán bộ đảm bảo vừa đúng, vừa khách quan, công khai, công bằng về kết quả thực thi nhiệm vụ, khắc phục tình trạng cào bằng, nể nang, né tránh, ngại va chạm. Đối với các cán bộ do bầu cử lên, nhất thiết phải trình bày chương trình hành động và bảo vệ được quan điểm, tư tưởng của mình trước tập thể có thẩm quyền. Trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt đối với cán bộ giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý, cần có quy định rõ ràng, cụ thể về tiêu chuẩn đạo đức, lối sống, phẩm chất, năng lực của người đứng đầu. Đối với các chức danh do bổ nhiệm cần phải thông qua thi tuyển cạnh tranh công khai, minh bạch. Ngoài ra, thực hiện tốt chính sách cán bộ gắn với việc mỗi cán bộ, đảng viên tự nâng cao trình độ, rèn luyện để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Điều này đặt ra cho các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải nâng cao trách nhiệm, triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ và tạo môi trường, điều kiện để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ; coi trọng trang bị kiến thức về công tác cán bộ cho lãnh đạo các cấp.
Thứ hai, “tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị”(5).
Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh, đối với các cơ quan nhà nước, cần “xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước”(6). Đối với Quốc hội, cần “tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao”(7). Đối với Chính phủ, “tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực; phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch;... Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn;... tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, bảo đảm chất lượng, hoạt động hiệu quả”(8). Bên cạnh đó, “tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp;...”(9).
Đối với chính quyền địa phương, “tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt theo luật định; thực hiện và tổng kết việc thí điểm chính quyền đô thị nhằm xây dựng và vận hành các mô hình quản trị chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”(10). Đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, “gắn kết và đổi mới tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp”(11).
Thứ ba, tổng kết các mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị, khắc phục sự chồng chéo và những bất hợp lý trong tổ chức của Đảng và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị(12).
Triển khai quyết số 18-NQ/TW, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 07-KH/TW, ngày 27/11/2017 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đặc biệt, Kết luận số 34-KL/TW ngày 07/8/2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã chỉ rõ các mô hình thí điểm như: (1) thí điểm kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có điều kiện; (2) thí điểm hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn (hoặc tham mưu) thuộc Ủy ban Nhân dân có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện; (3) thí điểm Trưởng ban dân vận cấp ủy đồng thời là Chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện; (4) tổ chức lại đảng bộ khối doanh nghiệp cấp tỉnh; (5) thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; (6) thí điểm hợp nhất văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, văn phòng Hội đồng Nhân dân và văn phòng Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung ở những nơi có đủ điều kiện.
Thứ tư, “đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm”(13).
Các tổ chức, cơ quan của hệ thống chính trị phải tiếp tục thực hiện đề án mô tả công việc theo vị trí việc làm gắn với chức danh nghề nghiệp một cách cụ thể làm cơ sở cho việc bố trí người hợp lý, phù hợp với sở trường, sở đoản của từng cán bộ, công chức, viên chức. Mô tả càng chi tiết thì càng có cơ sở để bố trí đúng người với số lượng hợp lý không thừa, không thiếu và cần tuân thủ nguyên tắc “có việc mới cần đến người, chứ không phải là có sẵn người nên phải tìm việc cho làm”(14); “tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”(15). Mục tiêu của mô tả công việc theo vị trí việc làm là hướng tới sự kế hoạch hóa, chuyên nghiệp hóa, chuẩn mực hóa, khoa học hóa và hiện đại hóa công tác nhân sự, thực hiện tốt chức năng hoạch định, tổ chức, điều khiển và kiểm tra một cách căn bản, chính quy, có hệ thống. Đây là cơ sở để phân loại, quy hoạch, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bố trí, đề bạt, luân chuyển, sắp xếp lại cán bộ, công chức, viên chức cũng như trả lương, thù lao và thực hiện các chế độ, chính sách khác./.
Chú thích và tài liệu tham khảo
(1). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H., 2016, tr.217-218.
(2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., 2021, t.I, tr.111; t.I, tr.185; t.I, tr.185; t.I, tr.185; t.I, tr.174-175; t.I, tr.175; t.I, tr.177; t.I, tr.177-178; t.I, tr.178; t.I, tr.178; t.I, tr.185; t.I, tr.185.
(14), (15). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H., 2011, t.4, tr.181; t.4, tr.43.
Ngọc Cảnh